Theo dõi trên

Tiếp thu cái mới trong đời sống văn hóa

23/11/2023, 05:29

Bây giờ đã cuối tháng 11, tức là qua lễ hội Halloween (31/10) gần một tháng nhưng mỗi khi chúng tôi có hẹn cà phê, thì chị khước từ ngay khi chọn quán MB. Bởi cả chị và con gái 5 tuổi chưa hết ám ảnh với những hình ảnh máu me, ma quái rùng rợn được chủ quán trang trí trước lễ hội. Chị bảo mấy đêm liền con gái đều thức giấc rồi khóc ré lên. Và giờ khi màn đêm buông xuống, dù ánh đèn bật sáng khắp nhà nhưng cứ mẹ đi một bước là con bước theo sau.

1. Ngày lễ Halloween được biết đến như một ngày lễ tưởng niệm và chào đón những linh hồn đã mất được trở về nhà. Biểu tượng của ngày lễ là những trái bí ngô được khoét hình khuôn mặt. Thế nhưng khi vào nước ta, lễ hội này đã bị biến tướng bởi nhận thức không đầy đủ của một bộ phận. Họ cho rằng Halloween phải hóa trang kinh dị, hù dọa nhau để đem lại tiếng cười mới thật sự là tinh thần của lễ hội.

Tinh thần “giao lưu văn hóa”, “trải nghiệm”, “khám phá” chưa thấy đâu, nhưng có một điều chắc chắn hình ảnh rùng rợn ấy sẽ ám ảnh tâm lý non nớt của con trẻ và không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

gio-hoc.jpg
Một giờ học tiếng Anh tô màu và giới thiệu về lễ hội Halloween, không có hóa trang.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện trên cả nước có khoảng 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, nhất là các nước phương Tây. Các lễ hội này được du nhập một cách tự nhiên khi thế giới không còn bức tường ngăn cách, tạo nên sự phong phú cho đời sống văn hóa người Việt. Trong đó, có 3 lễ hội được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng, xem như là một phần đời sống tinh thần vào dịp cuối năm, đó là Halloween, Noel (lễ Giáng sinh), Valentine (lễ Tình nhân). Chính sự năng động và sáng tạo đó góp phần làm giàu có hơn cho bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên sự phối trộn hài hòa giữa cũ và mới, cổ điển và hiện đại, truyền thống và cách tân. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các hoạt động hưởng ứng chúng theo đúng ý nghĩa nhân văn vốn có, đằng này họ lại “biến tướng”, hòa mình vào các lễ hội theo phong cách “khác người”, chủ yếu để chạy theo xu hướng thời thượng, khoe mẽ độ “chất chơi”, sành điệu của bản thân.

minh-hoa.jpg
Văn hóa xếp hàng (ảnh minh họa)

2. Trước dòng chảy xâm nhập ào ạt của nền văn hóa ngoại lai, một bộ phận thanh niên Việt Nam đã biết nắm bắt lấy thời cơ, phát triển nền văn hóa dân tộc vốn đã giàu đẹp ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. Đó là sự đề cao văn hóa xếp hàng tại các quán trà sữa, cà phê phục vụ tại quầy. Mới đầu có vẻ lạ lẫm, khó chịu, nhưng lâu thành quen và ai nấy đều bày tỏ sự yêu thích. Bởi nơi đó người đến trước đứng trước, người đến sau đứng sau. Tuyệt nhiên không chen lấn, xô đẩy.

Đem câu chuyện này chia sẻ với những người lớn tuổi. Họ bày tỏ sự hài lòng và cho biết thêm, ở nước ta thời bao cấp, văn hóa xếp hàng đã được hình thành và gần như là một quy định cho toàn xã hội phải thực hiện. Người dân muốn mua bất cứ thứ gì từ nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu… đều phải xếp hàng. Thậm chí sẵn sàng xếp hàng từ hai, ba giờ sáng để đợi đến lượt ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Xã hội lúc đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng văn hóa xếp hàng được coi trọng, người dân thực hiện nghiêm túc.

Ngày nay, việc xếp hàng được giáo dục ngay từ bậc học mầm non rồi đến các cấp học cao hơn. Nhưng nhiều người khi trưởng thành lại quên mất văn hóa xếp hàng, dẫn đến những hình ảnh lộn xộn mà bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp ở những cửa hàng mua sắm, bến xe… Thậm chí, một số người tham gia giao thông còn luồn lách, chen lấn lên cả lề đường, vỉa hè dành cho người đi bộ.

Văn hóa không bất biến, nó có thể vận động, bổ sung, phát triển để phù hợp hơn với thực tiễn. Như hành động xếp hàng, dù nhỏ nhưng thật sự mang lại những lợi ích rất lớn cho cá nhân và cộng đồng. Khi mọi người đều tuân theo một trật tự sẽ giúp mọi việc trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện hơn với tất cả những ai cùng tham gia. Ngược lại, việc xếp hàng bị lãng quên hoặc bị phủ nhận bằng một thái độ khó chịu, mọi việc sẽ trở nên xáo trộn và mọi thứ sẽ chậm lại, hoặc xấu đi.

T.LINH


(1) Bình luận
Bài liên quan
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh
Thời gian qua, các trường phổ thông trong tỉnh đã tích cực đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp thu cái mới trong đời sống văn hóa