Theo dõi trên

Dùng văn hóa đặc trưng quảng bá du lịch

14/11/2023, 05:28

Trong chương trình Giới thiệu điểm đến du lịch Lạng Sơn 2023 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn tổ chức tại thành phố biển Phan Thiết mới đây cho thấy rõ điều đó. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023, “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.

dsc09327.jpg
dsc09296.jpg

Sự kiện này là cầu nối để 2 địa phương giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Lạng Sơn; từ đó thu hút các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên cả nước đầu tư xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch, tour, tuyến một cách hiệu quả, bền vững và phù hợp với tình hình địa phương, xu hướng của du khách trong thời gian tới.

Tỉnh Lạng Sơn đã giới thiệu tình hình phát triển du lịch của tỉnh với việc giới thiệu các điểm du lịch nổi bật; các di sản văn hóa vật thể - phi vật thể. Lạng Sơn - một tỉnh miền núi phía Đông Bắc, vùng đất cửa ngõ “phên dậu” địa đầu của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển, cùng nền văn hóa truyền thống lâu đời, giàu truyền thống cách mạng.

image_6483441-13.jpg
Đại diện các công ty, doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu về điểm đến Lạng Sơn
dsc09399.jpg

Ở sự kiện giới thiệu điểm đến, Lạng Sơn đã mạnh dạn đưa những giá trị văn hóa đặc trưng núi rừng của các dân tộc anh em: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay... tạo nên một vùng đất với nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cùng những lễ hội độc đáo, những làn điệu then, sli, lượn mê đắm lòng người, hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên, núi non trùng điệp, hùng vĩ nhưng rất đỗi nên thơ. Tiếng sáo của nghệ nhân Xuân Tự, trong trẻo, thanh tao nhưng ẩn chứa sự bao la hùng vĩ của núi rừng. Lạng Sơn còn mang cả tục Thờ Mẫu - một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian phổ biến của người Việt đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại để giới thiệu với những du khách tiềm năng nơi thành phố đầy nắng và gió Phan Thiết. Có thể lạ, có thể quen đâu đó trên các nền tảng mạng xã hội, hình ảnh văn hóa đặc trưng này được quảng bá, nhưng ở sự kiện lần này, Lạng Sơn đã mang đến không gian văn hóa, đậm đà bản sắc qua một tiết mục diễn xướng chầu văn: “Gia Chầu Bé Bắc Lệ sơn lâm thượng ngàn”, đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của người dân xứ Lạng.

dsc09342.jpg
Chầu Văn - nét văn hóa đặc sắc ở Lạng Sơn 

Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành một trong những trọng điểm du lịch của vùng trung du miền núi Bắc bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh. Du lịch Lạng Sơn thông qua văn hóa truyền thống, để dẫn đưa du khách tìm đến vùng đất hội tụ đủ đầy những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với trên 280 lễ hội, trong đó nhiều di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Bên cạnh đó, Lạng Sơn được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú như hang động, sông, hồ, hệ sinh thái, khí hậu ôn hòa cùng với nhiều di tích danh thắng như: Nhị Thanh, Tam Thanh, Thành Nhà Mạc, núi Nàng Tô Thị, núi Mẫu Sơn…

Theo bà Trần Thị Bích Hạnh - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Lạng Sơn, bên cạnh loại hình thế mạnh là du lịch biên mậu, Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng và hướng tới xây dựng nhóm du lịch nông thôn. Hiện nay, 4 điểm mạnh giúp Lạng Sơn ghi dấu ấn trong lòng du khách, đó là văn hóa đậm đà bản sắc; ẩm thực đặc trưng; thiên nhiên tươi đẹp và sự an toàn, thân thiện, mến khách. Đó cũng là những lợi thế lớn, có thể tạo nên sự khác biệt, những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho du lịch tỉnh Lạng Sơn.

dsc09284.jpg

Ông Lưu Bá Mạc, chia sẻ: “Để đạt được mục tiêu đó, Lạng Sơn đã và đang triển khai các định hướng, giải pháp đồng bộ như tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch; phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có giá trị kinh tế cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo ưu thế cạnh tranh trong nước và quốc tế; tăng cường liên kết và hợp tác trong phát triển du lịch…

dsc09403.jpg

Nhiều công ty lữ hành, du lịch ở Bình Thuận thật sự đã rất thích thú tìm hiểu cũng như đặt vấn đề cần thiết để có thể xây dựng kế hoạch mở tour, tuyến vào những mùa đẹp nhất trong năm ở Lạng Sơn. Trên thực tế, di sản văn hóa vật thể - phi vật thể của các địa phương, nếu biết nhìn nhận một cách nghiêm túc, trân trọng sẽ là những đòn bẩy góp phần tạo nên vị thế cho du lịch. Ở bất cứ địa phương nào phát triển du lịch, đều cần có những chiến lược bảo tồn, phục dựng và tái hiện một cách nghiêm túc để mang những giá trị văn hóa vùng miền đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Không chỉ riêng Lạng Sơn, mà nhiều tỉnh, thành khác cũng có thể khai thác, chọn lọc, đưa văn hóa truyền thống của các dân tộc, những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng để quảng bá cho du lịch địa phương.

QUANG NHÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hấp dẫn du lịch tâm linh trên đồi Bà Nài
Không ai biết chính xác Bửu Sơn Tự có từ bao giờ mà chỉ biết rằng ngôi chùa được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Chùa này từng được Vua Gia Long ban tặng 5 chữ vàng “Ngự Tứ Bửu Sơn Tự”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng văn hóa đặc trưng quảng bá du lịch