Bình Thuận sẵn sàng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển công bằng, bình đẳng và đúng quy định của pháp luật. |
Những “điểm sáng”…
Chỉ số PCI năm 2018 ghi nhận “Chi phí gia nhập thị trường” là một trong những tiêu chí thành phần nổi bật nằm trong nhóm vừa tăng điểm vừa tăng bậc, đưa Bình Thuận lọt top 5 tỉnh đứng đầu cả nước. Kết quả này có được là nhờ địa phương thực hiện nhiều giải pháp xóa bỏ rào cản, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như cải thiện tốt môi trường đầu tư theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Theo đó có 77% doanh nghiệp cho biết thủ tục tại bộ phận “một cửa” được niêm yết công khai, 88% doanh nghiệp cho rằng cán bộ bộ phận “một cửa” hướng dẫn rõ ràng và đầy đủ. Đồng thời có 80% doanh nghiệp cho rằng cán bộ tại bộ phận “một cửa” nhiệt tình và thân thiện, 73% doanh nghiệp hài lòng về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận “một cửa” là tốt…
Với mức tăng bậc lẫn tăng điểm khá cao, “Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính” và “Chi phí không chính thức” hiện là 2 tiêu chí được cải thiện đáng kể, đưa địa phương nằm trong top 10 cả nước. Được biết kể từ đầu năm 2018, Trung tâm Hành chính công Bình Thuận đi vào hoạt động đã hạn chế trường hợp hồ sơ trễ hẹn và tồn đọng, góp phần giảm chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp… Kết quả cũng ghi nhận 6% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai (giảm 18%), chỉ có 20% doanh nghiệp cho rằng chi trả chi phí không chính thức là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu (giảm 33% so năm trước đó).
Nằm trong nhóm tăng điểm, tăng bậc tốt nhất trong 2 năm trở lại đây và cao hơn điểm trung vị của cả nước còn có tiêu chí “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”. Theo đánh giá của doanh nghiệp, Bình Thuận đã vận dụng pháp lý linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân, hầu hết doanh nghiệp nhận được phản hồi của cơ quan Nhà nước sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc (tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với phản hồi hoặc cách giải quyết của cơ quan Nhà nước là gần 80%)… Ngoài ra Chỉ số PCI năm 2018 của Bình Thuận còn có “Đào tạo lao động”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” cũng là các tiêu chí tăng bậc, tăng điểm so với năm trước. Được biết, nhiều doanh nghiệp đánh giá tình hình an ninh trật tự tại tỉnh là tốt (tăng 7%) và không còn hiện tượng doanh nghiệp phải trả tiền “bảo kê” để yên ổn làm ăn…
Tiếp tục cải thiện
Với kết quả như trên, Bình Thuận sẽ phát huy các tiêu chí tăng điểm để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hướng đến nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Cùng với đó là khắc phục những tồn tại, hạn chế đối với 4 tiêu chí giảm điểm nhằm sớm đưa xếp hạng Chỉ số PCI của địa phương nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành đứng đầu cả nước… Trong số các tiêu chí cần tập trung cải thiện có “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” (giảm mạnh về thứ bậc cũng như điểm số), “Cạnh tranh bình đẳng” (giảm 12 bậc), “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” (giảm 22 bậc). Nhất là với “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, từ năm 2014 - 2018 chỉ số này liên tục tăng giảm hàng năm, không được ổn định về điểm cũng như thứ bậc.
Để nâng cao Chỉ số PCI của Bình Thuận với thứ hạng như kỳ vọng, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mà trước hết là thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Bên cạnh tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng sẽ quan tâm rà soát, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến doanh nghiệp và một số luật còn chồng chéo (như Luật Đầu tư, Luật Môi trường, Luật Đất đai…) nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật. Đồng thời triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển công bằng, bình đẳng.
Thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cũng được tỉnh triển khai đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Việc công bố đầy đủ những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở ngành, địa phương và công bố các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án kêu gọi đầu tư… sẽ được phát huy hơn nữa. Cùng với đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý thì các cấp ngành tiếp tục vận dụng pháp lý linh hoạt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu doanh nghiệp…
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, tuy nhiên ở tiêu chí “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” vẫn còn tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do công tác quy hoạch sử dụng đất còn bất cập, chồng lấn, nhiều trường hợp nhà đầu tư phải chờ quy hoạch chi tiết hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Thêm vào đó, công tác đền bù giải tỏa còn khó khăn, thời gian đền bù giải tỏa còn kéo dài do người dân đòi giá cao, nhiều dự án chủ đầu tư không thể thỏa thuận được với người dân, nên có 28% doanh nghiệp cho rằng giải phóng mặt bằng chậm… |
QUỐC TÍN