Theo dõi trên

“Tiêu sầu”, bài thơ của Hàn Mặc Tử?

07/06/2024, 05:32

Từ xưa cho đến bây giờ, người ta vẫn nói nhiều đến chuyện ma quái. Có người tin, cũng có người không tin. Nhưng những người không tin cũng… sợ ma! Và có một nền văn minh ở ngoài trái đất hay không, các nhà khoa học đang tìm.

tho-1.jpg

Những ngày chiến tranh ở quê có nhiều chuyện ma, chuyện huyền bí mà không giải thích được.

- Bạn có tin có ma không?

Và ngoài chuyện ma, tôi cũng tin “Cầu cơ”, “Xê sàng”, vì tôi cũng đã từng tham gia những trò này vào những đêm sáng trăng trên bãi tha ma sau những ngày đình chiến 1954 ở ấp Cây Găng, bây giờ là xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. (Chuyện này, hỏi những người lớn tuổi ở Phan Thiết, ai cũng biết. Và cách đây khá lâu, tôi uống cà phê với mấy anh bạn, trong số này có một anh khá lớn tuổi quê ở Phan Thiết. Tôi kể chuyện “Xê sàng” và hát, anh này cũng hát theo: “Xê sàng chàng hỡi xê sàng/ chàng lê chàng hát dịu dàng ta nghe/”… Tôi ngạc nhiên hỏi, anh nói rằng anh ở Bình Thuận, sau thời đình chiến, anh cũng “Xê sàng”, nếu vào đêm trăng sáng lên Lầu Ông Hoàng mà “Cầu cơ”, “Xê sàng” thì linh lắm!

Trước 1975, tôi có đọc quyển sách “Những hiện tượng siêu hình”. Lâu quá, sách đã bị thất lạc, cho nên không nhớ tác giả và nhà xuất bản. Nhưng có một điều chắc chắn rằng quyển “Những hiện tượng siêu hình” là sách dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên ở Khoa Thần học. Nội dung “Những hiện tượng siêu hình” là ghi chép lại đầy đủ những việc ma quái đã xảy ra, thời gian, nhân vật, sự kiện… trên toàn thế giới, kể cả Việt Nam. Lẽ tất nhiên, là những điều mà khoa học chưa giải thích được.

Đặc biệt, trong “Những hiện tượng siêu hình”, có chép một bài thơ, mà sách đã nói rằng đó là bài thơ “Tiêu sầu” của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Sự thật như thế nào thì khó mà biết được, chỉ biết rằng đó là một bài thơ khá lạ (Tôi chép ra đây theo trí nhớ của mình, nếu có thiếu sót, xin bạn đọc lượng thứ cho và bổ túc thêm cho, nếu bạn có biết):

Tiêu sầu

Ô, đêm nay trời trong như gương

Không làn mây vươn không hơi sương

Tơ trăng buông rèm lên muôn cành

Tơ trăng vàng run như âm thanh

Từ đâu tiêu sầu reo vi vu

Buồn như làn mây chiều mùa thu

Êm như dòng tơ trên vai Nường

Mong manh như là lời yêu thương

Tôi đến gần bên, ồ, lạ thường

Nường trăng, ồ, chính là Thương Thương

Hoảng hốt tôi ôm chầm lấy Nường

Than ôi, Nường đã biến ra sương

Tôi ôm chầm phải tiếng tiêu sầu

Vi vu, gieo buồn trong đêm thâu.

Tôi nhớ như in, vì đây là chuyện lạ, và tôi cũng mê thơ Hàn Mặc Tử.

  Chuyện kể như sau: Soạn giả “Những hiện tượng siêu hình” cho biết, sở dĩ có bài thơ này là nhân ngày giỗ thi sĩ Hàn Mặc Tử qua đời vào ngày 11/11/1940 nhằm ngày 12/10 năm Canh Thìn, những người quen biết và mến mộ thơ Hàn Mặc Tử đã “cầu cơ” và Hàn Mặc Tử đã ứng lên làm bài thơ “Tiêu sầu”. Và tiếp đến giỗ năm sau, họ cũng “cầu cơ” và Hàn Mặc Tử lại về, xin sửa lại vài chữ trong bài Tiêu sầu như chữ “Thương Thương” và “Nường” phải viết hoa.

(Nhân đây cũng cần mở một dấu ngoặc để nói một chút về cầu cơ. Còn bạn tin hay không thì tùy. Người viết đã từng tham gia cầu cơ. Con cơ đẽo, đục, hình trái tim (lớn nhỏ tùy theo người làm) làm từ gỗ nắp quan tài. Miền Trung, có những nơi tục lệ chôn người chết một thời gian nào đó, rồi đào mồ lấy nắp quan tài lên bỏ, đổ đất xuống lấp mộ lại như cũ. Vào một đêm thanh vắng, nếu chọn bãi tha ma càng tốt lựa một người có tâm sạch (tánh nết hiền lành đạo đức tốt). Trên một tấm bìa giấy cắt vòng tròn, viết 24 chữ cái chia đều theo vòng tròn đó, để con cơ ở giữa, lấy ngón tay đè nhẹ con cơ, rồi đốt nhang, thành tâm khấn vái điều mà mình muốn biết, con cơ sẽ chạy đến chữ nào thì ghi ra giấy chép lại, sẽ đoán được kẻ khuất mặt muốn nói điều gì. Mê tín và dị đoan quá phải không? Nếu có con cơ, bạn hãy làm thử, điều khó nhất là tìm đâu ra nắp quan tài người chết?).

Bây giờ chúng ta thử xem bài thơ “Tiêu sầu” và Hàn Mặc Tử có liên quan gì với nhau:

… Ôi trời ôi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!

Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi

Ta đến nơi Nường ấy vắng lâu rồi

Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ

(Phan Thiết – Phan Thiết)

… Đường trai thẹn nên không dám ngó

Nói chi Nường là gái đông lân

(Cưới Xuân - Cưới vợ )

Chiều nay tàn tạ hồn hoa

Nhớ Thương Thương quá xót xa tâm bào

(Nỗi buồn vô duyên)

Em là Trần Thương Thương

Anh là Hàn Mặc Tử

Không phải cách âm dương

Còn có khi hội ngộ

(Cẩm Châu Duyên)

Sau khi sự việc xảy ra, người ta đem bài thơ “Tiêu sầu” đến hỏi thi sĩ Quách Tấn (Quách Tấn là người giữ Di cảo thơ Hàn Mặc Tử), nhưng Quách Tấn trả lời rằng: …Đây là giọng thơ Hàn Mặc Tử, nhưng trong Di cảo không có bài thơ này).

Trong “Tiêu sầu” cũng có “Thương Thương” và “Nường”. “Tiêu sầu” bàng bạc màu trăng huyền hoặc giữa mộng và thực.

Một vài ý kiến nhỏ này chỉ nói lên một sự kiện, chớ không có tham vọng biên khảo, chắc xung quanh chuyện này còn có nhiều bí ẩn đầy thú vị mà người viết chưa với tới được. Kính mong các nhà văn, nhà thơ, chỉ giáo để làm sáng tỏ vấn đề:

- Ai là tác giả bài thơ “Tiêu sầu” này?

TRẦN HỮU NGƯ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hội thao Công đoàn viên chức - sân chơi cho đoàn viên, người lao động
Hàng năm, bên cạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Công đoàn Viên chức (CĐVC) tỉnh cùng các công đoàn cơ sở còn tổ chức nhiều sân chơi ý nghĩa dành cho đoàn viên công đoàn. Và trong tháng 6 này là hội thao Công đoàn viên chức năm 2024. Một hoạt động bổ ích nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi, đoàn kết giữa các đơn vị và tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đoàn viên, người lao động…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Tiêu sầu”, bài thơ của Hàn Mặc Tử?