Theo dõi trên

Lưu bút để lại

06/06/2024, 08:39

Chiếc áo học trò mới sáng sớm tới trường còn trắng tinh vậy mà cuối giờ chiều trong buổi học cuối lấm lem màu mực với những chữ ký và dòng tên để lại. Những cái nắm tay, vỗ vai kèm lời chúc tạm biệt.

Bất chợt bắt gặp khoảnh khắc ấy vào một ngày đầu hạ, khi bông phượng đã cháy rực một góc sân trường, bằng lăng cũng nhuộm tím một màu nhớ nhung, tôi lại thấy mình của 20 năm về trước, cũng xuyến xao, nấn ná mãi ở sân trường trong ngày học cuối. Lặng lẽ chuyền tay nhau một đôi dòng nhắn gửi trong cuốn lưu bút ghi lại tháng ngày tươi đẹp tuổi mộng mơ.

dong-luu-but.-anh-minh-hoa.jpg
Gửi trao những dòng lưu bút (ảnh minh họa).

Tôi không biết trào lưu viết lưu bút bắt đầu từ ai và từ khi nào, chỉ biết rằng vào một ngày đầu hè nắng vàng rực rỡ, khi trống điểm giờ ra chơi thì bất ngờ nhận được một lời đề nghị dễ mến kèm theo một cuốn sổ nhỏ nhắn xinh yêu: “Viết giùm tớ ít dòng”. Và sau đó phong trào làm lưu bút lan rộng khắp cả lớp. Mọi người chuyền tay và viết lưu bút cho nhau.

Lần giở những trang giấy xỉn màu ghi dấu bao kỷ niệm thân thương của tuổi học trò, từng gương mặt thân quen, từng chỗ ngồi trong lớp học cứ hiện rõ mồn một trong tâm trí. Những lời chúc vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; đậu đại học mình mơ ước; thành công, hạnh phúc trong cuộc sống; hãy luôn nhớ về những ngày tháng tươi đẹp dưới mái nhà 12. Thậm chí những điều hiểu lầm, ghét, thương cũng được giãi bày và lời hứa hẹn cùng nhau vươn đến khoảng trời xanh. Đặc biệt, trong cuốn sổ nhỏ xinh ấy, đứa nào cũng có những con bướm nhỏ xinh được trang trí, ép từ cánh phượng hồng. Ngày ấy, chúng tôi làm gì có điện thoại, biết sử dụng máy tính, thư điện tử để thích thì tha hồ hàn huyên, tâm sự. Vì thế ngoài chữ ký, lời chúc thì đứa nào cũng để lại địa chỉ thôn, xóm, như một niềm tin dẫu có đi xa đến đâu thì tất cả đều sẽ nhớ về nguồn cội, tìm về chốn cũ và chỉ có địa chỉ ấy là mãi mãi không thất lạc.

Bây giờ tôi mới hiểu những dòng lưu bút là sợi dây vô hình buộc tuổi thơ chúng tôi lại với nhau. Cảm ơn những nét chữ ấy của thời học trò giúp tôi tìm gặp kỷ niệm dễ thương ngày nào. Giúp tôi nhớ lại thầy cô, nhớ lại tà áo lấm lem bụi đất, nhớ phấn trắng, bảng đen và những lần cả nhóm trốn học bị thầy bắt phạt, những buổi đối phó đầy lo âu của tiết ôn tập hay dò bài đầu giờ...

Đó là ký ức chẳng thể nào phai mà mỗi lần gặp lại nhau, chúng tôi lại đem ra kể. Và lại cùng ngân nga giai điệu bài hát “Mong ước kỷ niệm xưa” của nhạc sĩ Xuân Phương: “Thời gian trôi qua mau, chỉ còn lại những kỷ niệm/ Kỷ niệm thân yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô/ Bạn bè mến thương ơi, sẽ còn nhớ những lúc giận hờn/ Để rồi mai chia xa, lòng chợt dâng niềm thiết tha/ Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa…”.

Một mùa hè nữa lại đến, với mỗi học sinh cuối cấp, những hình ảnh hôm nay và năm tháng thanh xuân tươi đẹp dưới mái trường rồi cũng sẽ được giữ mãi trong từng ký ức. Kỷ niệm ấy trở thành hành trang để mỗi người thêm vững tin trên những bước đường đời.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phan Thiết và mùa hạ
Mùa hạ, mùa hoa phượng rực đỏ trong nắng, mùa hoa bằng lăng tím mộng mơ, mùa của dàn nhạc giao hưởng rộn rã của tiếng ve, mùa du lịch, mùa chia tay nhau, mùa của nỗi nhớ…
Đọc tiếp
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lưu bút để lại