Số người chết do TNGT vẫn cao
Thực hiện “Năm an toàn giao thông 2023” với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, tỉnh ta phấn đấu kéo giảm TNGT từ 5 – 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2022. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm an toàn giao thông (ATGT), siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, tổ chức giao thông trên các tuyến đường... Nhờ vậy đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế TNGT.
Thế nhưng, 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 182 vụ TNGT làm 117 người chết, 125 người bị thương (so với cùng kỳ giảm 8 vụ (4,2%), giảm 17 người chết (12,7%) nhưng số người bị thương tăng 27 (27,6%). Trong đó, đường bộ xảy ra 181 vụ làm 116 người chết, riêng tuyến quốc lộ 1A xảy ra 57 vụ làm 44 người chết, 30 người bị thương; trên 2 tuyến cao tốc xảy ra 7 vụ làm 3 người chết, 9 người bị thương; tuyến đường sắt xảy ra 1 vụ làm 1 người chết. Nguyên nhân trực tiếp gây TNGT chủ yếu do đi không đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng sai quy định, không chú ý quan sát, vi phạm quy trình thao tác lái xe
Thống kê trên cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay Bình Thuận chỉ mới kéo giảm TNGT trên cả 2 tiêu chí nhưng chưa bền vững, số người chết và bị thương do TNGT còn ở mức cao. Tình trạng vi phạm trật tự ATGT còn phổ biến, riêng vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ được phát hiện qua tuần tra, kiểm soát hơn 7.500 trường hợp. Toàn tỉnh chỉ có 2 địa phương là huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí trên 12%. Huyện Hàm Tân tăng TNGT cả 3 tiêu chí từ 5% trở lên...
Tập trung kéo giảm TNGT
Theo Ban ATGT tỉnh, hiện nay ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế. Bên cạnh, có địa phương chưa quyết liệt, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng họp chợ lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Việc tổ chức giao thông tại một số nút giao giữa đường dẫn lên cao tốc với tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chưa hoàn thiện, chưa hợp lý; công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT chưa đáp ứng yêu cầu thực tế phát sinh là những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, làm gia tăng nguy cơ xảy ra va chạm giao thông.
Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trước thực trạng và yêu cầu trong nhiệm vụ đảm bảo ATGT, sắp tới Công an tỉnh sẽ làm quyết liệt hơn trong tổ chức tuần tra giao thông, kiểm soát nồng độ cồn, ma túy, kể cả trong xử lý xe quá khổ, quá tải chứ không phải như hiện nay. “Hiện tại, nhiệm vụ này đang rải đều cho lực lượng Cảnh sát giao thông các huyện, thị xã, thành phố, nhưng sắp tới tỉnh sẽ thành lập đội liên quân tiến hành kiểm tra và sẽ làm đột xuất ở từng địa bàn, xử lý kiên quyết. Chúng tôi sẽ phối hợp rà soát lại để xử lý tất cả các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, các điểm đấu nối vào cao tốc và các vấn đề đảm bảo ATGT trên đường cao tốc. Nếu xảy ra tai nạn chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của đơn vị liên quan chứ không chỉ tập trung kiểm tra yếu tố kỹ thuật của phương tiện hay đo nồng độ cồn của tài xế. Vì tính mạng con người là trên hết, do đó nếu tai nạn xảy ra mà không xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan là chưa đầy đủ” – Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định.
Tại hội nghị đánh giá công tác đảm bảo ATGT 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng còn lại năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Hồng Hải yêu cầu các ngành, địa phương phải quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện nghiêm túc những yêu cầu, nhiệm vụ được xác định tại Chỉ thị 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự ATGT trong tình hình mới. Căn cứ đề xuất của các địa phương, Ban ATGT tỉnh phải chủ động tổ chức khảo sát, kiểm tra các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và sớm đề ra hướng khắc phục. Khi địa phương nổi lên vấn đề mất ATGT như xe quá tải, hay TNGT thì Ban ATGT phải làm việc trực tiếp với địa phương để xử lý ngay, cần thiết thì báo cáo để UBND tỉnh chỉ đạo.
“Phần lớn việc khắc phục điểm đen đều cần kinh phí, do đó Ban ATGT phải chủ động xây dựng kế hoạch để khắc phục chứ đi xuống kiểm tra rồi trả lời không có tiền để khắc phục là không được. Địa phương kiến nghị thì Ban ATGT tỉnh phải xử lý, nhưng không phải cái gì địa phương cũng kiến nghị lên, phải phân ra nguồn lực của tỉnh hay huyện, việc nhỏ thì địa phương phải chủ động làm” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. Đồng chí Nguyễn Hồng Hải cũng chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông, thực hiện hiệu quả chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, ma túy, xe quá khổ, quá tải, xử lý tình trạng xe phân khối lớn chạy gây mất trật tự ATGT. Sở GTVT, địa phương có cao tốc giám sát chặt chẽ việc thi công hoàn trả những con đường mà Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 7 và các nhà thầu mượn để phục vụ vận chuyển vật liệu khi thi công cao tốc; trường hợp con đường nhà thầu hoàn trả không đảm bảo chất lượng hoặc xấu hơn trước thì không nhận…