Với quê hương, những ai đó mặc dù lý tưởng khác nhau, hoài bão không giống nhau, bên này hay bên kia chiến tuyến, tình yêu dành cho quê hương chỉ có một: Nhớ da diết, yêu cũng da diết. Ví như ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn từ Mỹ trở về nước lần đầu tiên sau gần 30 năm lưu lạc, việc đầu tiên là ông về cố hương, thả hồn mình giữa sông nước quê hương. Ông nói: “Quê hương là nỗi nhớ quặn lòng”. Nghệ sĩ nổi tiếng Kiều Chinh tại trung tâm điện ảnh Hollywood – Hoa Kỳ viết trong hồi ký: “Ước nguyện đoạn cuối cuộc đời là trở về cố hương, được tắm mình trong hơi thở quê nhà, nơi sinh thành”.
Nhiều người con của Bình Thuận, bởi những hoàn cảnh khác nhau đang sống và làm việc ở xứ người đều có mong ước cháy bỏng là được trở về, thăm lại những kỷ niệm xưa, nhung nhớ về một thời rất yêu rất nhớ quê nhà; hoặc còn có điều kiện thì góp sức đầu tư, xây dựng quê hương Bình Thuận giàu đẹp.
Ngày 23/9/2023, Út Mũi Né về Quảng Nam – Đà Nẵng, tham gia sự kiện “Tôi về thương lấy quê tôi/ Nghĩa nhân xin gửi muôn lời tạ ơn” của người phụ nữ xứ Quảng – nhà thơ Vạn Lộc - Võ Thị Hội. Năm 13 tuổi, Võ Thị Hội xa dòng sông quê hương, nương dâu bãi bồi, xa làng quê Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam theo mẹ về Đà Nẵng tần tảo mưu sinh. Xa quê để lập thân, lập nghiệp, nhưng bà vẫn đau đáu hướng về dòng sông Thu Bồn quê nhà, lòng tự nhủ lòng mỗi năm hàng chục lần trở về quê hương, đóng góp sức nhỏ của mình xây dựng quê hương, coi đó là niềm vui khôn tả.
Khi đã bước qua tuổi ngoài bát thập – mùa đông cuộc đời, với 11 tập thơ đã xuất bản, bà Võ Thị Hội trở về quê hương tình cảm dạt dào, ắp đầy cảm xúc gặp gỡ bà con, cô bác trong nỗi niềm gần gũi thân thương. Trở về Duy Trinh, câu thơ Vạn Lộc viết từ trái tim hồng: “Tôi thương lấy quê tôi” để nhớ về một đời gian nan bươn chải, xây dựng tổ ấm gia đình, nuôi dạy các con cháu khôn lớn, trở thành những công dân có ích cho xã hội, cho quê hương, đất nước. Những lời ru, điệu lý, câu hò trên mảnh đất quê hương Duy Trinh đã gieo vào tâm hồn bao cảm xúc để cuộc đời này luôn cứ vấn vương và chính tình yêu quê hương, cái nôi văn hóa quê nhà ấy đã gieo hạt, ươm mầm cho thơ của người con gái Duy Trinh Võ Thị Hội – để có nhà thơ Vạn Lộc yêu thơ hôm nay.
Cuộc sống muôn màu, Vạn Lộc làm thơ – sống trọn với niềm vui thi ca, coi đó là những trang nhật ký cuộc đời, là cuộc sống tinh thần chắp cánh để bà càng thêm yêu cuộc sống, yêu người, yêu đời, yêu quê hương xứ sở, yêu đất nước, yêu mái ấm gia đình, yêu bè bạn… Để từ đó mà có những vần thơ, bài hát “Nhớ về mẹ, về cha, về dòng sông quê, cây đa, bến nước”, yêu cuộc sống, người với người là bạn!
Trên mảnh đất quê hương Duy Trinh, để tri ân những tình cảm dạt dào quê hương đó, lãnh đạo xã Duy Trinh, Trung tâm Văn hóa Thông tin đã rất nhiệt thành tham gia tổ chức chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm về cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của Vạn Lộc – Võ Thị Hội. Tình cảm quê hương thật ấm áp và nghĩa tình, không gì có thể đong đếm.
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước đã gửi thư và điện hoa chúc mừng Võ Thị Hội – Vạn Lộc. Một độc giả yêu thơ đang làm việc tại thành phố Vinh, Nghệ An, mặc dù không nhận được thư mời, hay tin đã mua vé xe lửa xình xịch suốt đêm thâu, kịp về Duy Trinh dự chương trình.
Bác Hồ kính yêu dạy: “Tình yêu quê hương từ trong trái tim”. Đúng vậy, quê hương Duy Trinh chắp cánh bay cao cho Võ Thị Hội – Vạn Lộc. Và chính người phụ nữ xa quê ấy, yêu quê hương da diết từ chính trái tim mình đã và đang làm hết mình cho quê hương, vì quê hương yêu dấu. Bài học tình quê không của riêng ai…