Trung thu là một trong những lễ tiết quan trọng của người Việt Nam, nó có từ lâu đời. Tuy vậy, trước đây hoạt động này chỉ được tổ chức ở trong dân. Mãi cho đến năm Minh Mạng thứ 16 (Ất Mùi – 1835), lệ đón tết Trung thu mới được định thêm để trở thành quốc lễ.
Quốc sử quán triều Nguyễn trong sách Đại Nam thực lục cho biết: các ngày rằm tháng giêng (Thượng nguyên), rằm tháng 7 (Hạ nguyên), rằm tháng 10 (Trung nguyên), mùng 7 tháng 7 (Thất tịch), rằm tháng 8 (Trung thu), mùng 9 tháng 9 (Trùng dương) và ngày Đông chí (22 hoặc 23 tháng 12 dương lịch) người xưa cũng có cúng lễ. Nhưng do tục nước ta thật thà chất phác nên chưa cử hành được hết. Do đó, vua Minh Mạng sai bộ Lễ tham bác xưa nay, châm chước kiến nghị. Đến khi lời bàn dâng lên, vua Minh Mạng chuẩn định: Vào tiết Trung thu thì dùng hoa quả, nước trà và của ngon vật lạ. Ban đêm thì treo đèn để nêu bật ngày tết nhằm thời tiết đẹp (1).
Theo điển lệ, vào mỗi dịp Trung thu triều đình tổ chức nghi lễ ở các miếu điện rất long trọng, chu đáo. Quan chức bộ Lễ và các vị tôn tước túc trực, luân ban bái tế. Theo đó, thân công đến nhà Thái miếu (nơi thờ các chúa Nguyễn), ở Thế miếu (thờ các vua Nguyễn băng hà khi tại vị) và điện Phụng Tiên (thờ các vua và hoàng hậu triều Nguyễn, từ Gia Long trở đi) do hoàng tử công (con vua được phong tước công) và hoàng tử phụ trách. Còn tại miếu thờ Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim – người khai sáng cơ nghiệp nhà Nguyễn và hoàng hậu (gọi là Triệu miếu) và Hưng miếu (thờ song thân của vua Gia Long) thì phái ủy các viên Tôn thất ở Từ tế ty (cơ quan trông coi việc thờ tự các miếu của triều đình) đi làm lễ (2). Sau này, vua Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) cũng định lệ tiến lễ dịp Tết Trung thu ở điện Sùng Ân (3).
Theo lệ, các vua Nguyễn thiết đại triều vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, nhưng vào dịp tiết Trung thu, các quan văn từ tam phẩm và quan võ từ nhị phẩm trở lên đều được miễn triều yết, được phép ở dinh thự tắm gội, nghỉ ngơi ăn tết. Còn lại, các quan chức phẩm hàm thấp hơn vẫn phải túc trực như thường (4).
Trong tiết trời thu mát mẻ, nhà vua cũng tổ chức các chuyến đi dạo, ngắm cảnh, làm thơ, và có khi còn ban thưởng cho hoàng thân và quan viên đi theo hộ giá. Mà trường hợp của vua Thiệu Trị đến chơi vườn Thường Mậu dịp tết Trung thu năm Quý Mão (1843) là một ví dụ (5).
Một số tư liệu trên đây tuy chưa đầy đủ để tái hiện hết tục đón Tết Trung thu xưa, nhưng ít nhiều có thể hình dung không khí ngày rằm tháng 8 nơi cung cấm. Nhân mùa trăng tròn, vua quan triều Nguyễn cũng thiết trí đèn hoa, thưởng trà, dùng các thức bánh quả và bái yết tổ tiên, gửi gắm ước vọng về một tương lai thái bình, thịnh vượng cho quốc gia dân tộc.
Chú thích:
(1). Đại Nam thực lục, tập 4. Giáo dục (2007): 747.
(2). Đại Nam thực lục, tập 4. Giáo dục (2007): 1005.
(3). Đại Nam thực lục, tập 6. Giáo dục (2007): 543.
(4). Đại Nam thực lục, tập 5. Giáo dục (2007): 557.
(5). Đại Nam thực lục, tập 6. Giáo dục (2007): 529.