Khởi đầu là anh Danh, mang tiếng đàn ông chứ khéo tay cực kỳ. Anh nhận khâu làm lồng đèn ngôi sao. Tội nghiệp, ban ngày đi làm hồ, ban đêm lại chong đèn vót tre, hì hục cột, hì hục dán giấy kiếng nhiều màu sắc rực rỡ. Thấy anh cực, mấy anh trong xóm cũng phụ một tay một chân vót tre, còn công đoạn dán giấy kiếng là anh nhất quyết không cho ai phụ bởi ai làm cũng không vừa ý anh. Chúng tôi đùa anh mắc bệnh nghề nghiệp, thợ hồ mà, tỉ mỉ quen, thấy sai lệch một chút là không chịu được.
Ròng rã cả nửa tháng trời thức đêm thì khâu chuẩn bị lồng đèn cũng xong. Hai mươi bảy cái lồng đèn ngôi sao, mỗi cánh một màu trông sặc sỡ như đàn bươm bướm. Anh Danh đem treo trong sân nhà, bên cạnh giàn lan xanh mướt của mình như một cách khoe thành quả lao động miệt mài. Lũ trẻ trong xóm cứ chiều chiều lại rủ tới nhà bác Danh chơi để ngắm lồng đèn. Tụi nó giành nhau xí phần vang cả một góc sân. Anh Danh vuốt cái cằm lưa thưa vài cọng râu cười khà khà ra chiều thích thú. Có cả một đội fan hâm mộ thế kia không thích thú sao được. Hâm mộ đến độ thằng Róc quăng cái lồng đèn Pikachu có đèn chớp nháy cho má biểu: Không thèm cái này, con muốn có cái ngôi sao của nhà bác Danh, cái ngôi sao màu đỏ kìa. Thế là má nó mỗi lần đút ăn phải ẵm nó te te chạy sang nhà bác Danh xem ké lồng đèn.
Coi bộ lần này xóm nhỏ quyết tâm tổ chức một mùa trung thu hoành tráng. Mấy bà mấy chị túm tụm nhau bàn tới bàn lui nên nấu món gì cho tụi nhỏ ăn. Gà rán, khoai tây chiên, xúc xích chiên thì tụi nhỏ khoái mà khổ cái sợ dầu mỡ, rồi thì sợ đùi gà người ta bán ngoài chợ là hàng công nghiệp không đảm bảo vệ sinh, sợ không ngon. Thì thôi làm chả giò chiên đi. Ai làm giờ. Chả giò thì làm tốn thời gian, đã làm thì phải làm nhiều chứ dăm ba cuốn sao đủ ăn. Rồi thì cũng phải làm chút đỉnh món cho mấy ông lai rai, gọi là trả công bữa giờ làm lồng đèn cho sấp nhỏ…
Mỗi chuyện ăn uống cho tụi nhỏ và tìm món lai rai cho các ông chồng thôi mà cánh phụ nữ bàn tới bàn lui vẫn chưa thống nhất được. Phần vì ai cũng bận bịu công chuyện, trung thu lại không phải thứ bảy, chủ nhật nên cũng khó tụ tập nhau nấu nướng. Đặt đồ ăn ngoài quán thì chi phí cao mà lại sợ không hợp vệ sinh. Cứ vậy tối nào mấy chị em cũng túm tụm bàn ra bàn vô miết đến độ mấy ông sốt ruột.
Cuối cùng sợ cánh phụ nữ bàn qua tuốt trung thu luôn nên cánh đàn ông quyết định chiều thứ sáu nghen, dẹp hết không nấu cơm nấu nước gì hết, đi làm về là lao qua nhà anh Danh héng, có món gì thì làm món đó khỏi bàn chi cho mệt. Rồi, thống nhất số tiền quỹ, giao hết cho vợ anh Danh, mua gì thì mua, mấy chị em còn lại qua phụ nấu. Lần này thì các chị đồng ý trăm phần trăm. Quy về một mối cho dễ xử lý, chín người mười ý sao cho vừa lòng khắp được.
Háo hức chờ đợi nhất là sấp nhỏ trong xóm. Chiều nào tụ tập lại cũng bàn rôm rả thứ sáu này ăn trung thu có gà rán, khoai tây chiên nha tụi bây. Con Nành con anh Danh thì ra rả tụi bây sai bét hết, má tao nói là có nước ngọt, có mì xào nhen. Có vậy thôi mà chia phe cá cược nhau, um hết cả sân nhà anh Danh. Anh Danh được cái tánh tình hiền lành, thích trẻ con nên chẳng những không khó chịu mà còn chọc ghẹo tụi nhỏ thêm: làm gì có mấy thứ đó, chỉ có trái cây ăn thôi. Tụi nhỏ nghe bác Danh nói ù chạy về nhà kiện cáo với má um sùm rằng sao không nấu gà rán, khoai tây chiên cho con. Mấy bà má phải hứa xuôi hứa ngược hoài mới khiến đứa con yên bụng là hôm đó có món tụi nó thích.
Giống y chang mọi năm, gần trung thu là ông trời làm mưa. Tụi nhỏ lo ngay ngáy, lo sợ thứ sáu mưa to thì coi như hết ăn trung thu. Hễ gặp nhau ở đâu là tụi nó rì rầm rủ nhau lập đàn đuổi mưa cho hôm trung thu trời đừng mưa. Cánh người lớn nghe chỉ biết tủm tỉm cười. Đúng là trẻ con, ngây thơ thiệt.
Rồi cũng đến cái ngày mong chờ của tụi nhỏ. Hên sao trời chỉ rắc rắc dăm ba hạt hù dọa lũ nhỏ. Mấy chiếc bàn nhựa kê kín sân nhà anh Danh bày la liệt đồ ăn, trái cây. Sấp nhỏ thỏa mãn khi vừa được mỗi đứa một cái lồng đèn sặc sỡ màu sắc, đốt được nến, lại còn được ăn gà rán uống nước ngọt thỏa thích. Phụ huynh thì được dịp tụ tập ăn uống, tám chuyện vui vẻ. Đêm đó xóm nhỏ xôn xao đến tận chín giờ đêm mới ai về nhà nấy. Thiệt là một mùa trung thu đáng nhớ của cả đám trẻ con và người lớn của xóm nhỏ miệt quê nghèo.