Theo dõi trên

Tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Bảo tàng Hồ Chí Minh

18/04/2023, 05:48

Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận được thành lập vào ngày 19/5/1986, tọa lạc bên dòng sông Cà Ty tại số 39 Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết. Bảo tàng bao gồm quần thể di tích trải rộng trên diện tích gần 10.000 m2 với lối kiến trúc kết hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện đại gồm tổng thể các hạng mục công trình lịch sử, văn hóa như: Khu di tích Trường Dục Thanh, Nhà Bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi.

Đây là trung tâm nghiên cứu, tuyên truyền, giới thiệu thân thế, cuộc đời, sự nghiệp về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở miền cực Nam Trung bộ và là trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa của tỉnh Bình Thuận.

bao-tang.jpg

Khu di tích Trường Dục Thanh là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã ở và dạy học năm 1910, trước khi vào Sài Gòn ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Khu di tích được khôi phục và bảo quản chu đáo với nhiều công trình lưu niệm và cảnh quan lịch sử. Bên cạnh khu di tích là nhà bảo tàng với lối kiến trúc mới, hiện đại và dân tộc giới thiệu những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Bác Hồ với nhân dân Bình Thuận, lòng kính yêu và biết ơn của nhân dân với Người. Trước khu vực nhà trưng bày bảo tàng có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi dân tộc trong tỉnh. Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận là công trình lịch sử - văn hóa lớn của tỉnh Bình Thuận, đây cũng là điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng, cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng ngày đã tiếp đón và thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước.

Du khách đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh cảm nhận được sự vĩ đại của Hồ Chủ tịch cũng như được đến gần hơn chân dung vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Trong dòng chảy bất tận của lịch sử, dù thời gian có trôi qua nhưng dấu ấn lịch sử vẫn không thể xóa nhòa. Hình ảnh và ký ức về thầy giáo Nguyễn Tất Thành trên mảnh đất Bình Thuận không bao giờ mất đi. Trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận được chính quyền, nhân dân luôn gìn giữ, phát huy giá trị phục vụ tuyên truyền, giáo dục về sự nghiệp và cuộc đời của Bác Hồ kính yêu. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, khai thác phục vụ du khách nhiều hạng mục công trình xuống cấp. Vì vậy, đầu năm 2023 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình sửa chữa nhà làm việc và Nhà trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Công trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 4.467,33 triệu đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết Bình Thuận. Quy mô đầu tư dự án gồm: Cải tạo, sửa chữa nhà làm việc (1 trệt, 1 lầu) với tổng diện tích sửa chữa 424 m2; cải tạo, sửa chữa nhà trưng bày (1 tầng hầm, 1 trệt, 2 lầu) với tổng diện tích sàn 2.154 m2; cải tạo, sửa chữa đài nước; lát gạch xung quanh khu vực nhà làm việc và hệ thống PCCC tổng thể cho công trình. Hiện công trình sửa chữa Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận đang được triển khai.

Việc đầu tư các hạng mục công trình nói trên nhằm tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu làm việc của cán bộ, nhân viên và phục vụ du khách khi đến tham quan bảo tàng. Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận là một di sản văn hóa quý báu, là niềm vinh dự và tự hào của nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Q. HỘI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo tồn sách lá buông của người Chăm
Người Chăm viết chữ trên nhiều chất liệu khác nhau như khắc chữ trên đá, gỗ, kim loại, viết chữ trên giấy, da thú, tre và vải. Trong đó, có việc khắc chữ trên chất liệu lá buông. Loại chữ người Chăm viết trên lá buông là chữ Akhar Thrah xuất hiện đầu tiên trên mi cửa đền tháp Po Ramê vào thế kỷ thứ XVII.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Bảo tàng Hồ Chí Minh