Đây là lần đầu tiên ông Joko Widodo xác nhận cả hai nhà lãnh đạo có kế hoạch tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Với tư cách nước Chủ tịch G20, Tổng thống Jokowi đã tìm cách trở thành nhà trung gian hòa giải giữa các nước, là nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên đến thăm cả Ukraine và Nga kể từ khi xung đột nổ ra.
Trong tuần này, ông Jokowi cho biết cả Nga và Ukraine đã chấp nhận Indonesia là "cầu nối hòa bình". Sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị G20 nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong bối cảnh phương Tây đang ra sức cô lập Nga và gây sức ép để loại Nga khỏi các diễn đàn quốc tế.
Nếu hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tham dự hội nghị, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo lớn khác của thế giới kể từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Cuộc xung đột này cũng đã gây sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên G20 trong chương trình nghị sự chung trong năm nay. Trả lời trên Bloomberg, Tổng thống Jokowi cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự, trong khi Tổng thống Putin cũng cho biết sẽ đến hội nghị.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như các quan chức Phủ Tổng thống Indonesia chưa có bình luận về thông tin này. Trong tuyên bố mới nhất, điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga và Tổng thống Indonesia đã thảo luận về việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali trong cuộc điện đàm hôm qua. Tuy nhiên thông báo không đề cập việc liệu nhà lãnh đạo Nga có tham dự hội nghị trực tiếp hay không.
Nếu Tổng thống Putin xác nhận tham dự, có thể đây sẽ lần đầu tiên ông có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột nổ ra. Indonesia trước đó cũng cho biết đã mời Tổng thống Ukraine tham dự hội nghị với tư cách khách mời vì Ukraine không phải là thành viên của G20./.