Do vậy, hàng năm nhận thức của xã hội về vai trò tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT được nâng lên; tỷ lệ bao phủ BHYT ngày càng cao, quyền lợi của người tham gia được bảo đảm, góp phần quan trong vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022 công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đạt kết quả thấp so với kế hoạch. Trong đó, BHXH bắt buộc đạt 80,9% chỉ tiêu; BHXH tự nguyện đạt 34,6% chỉ tiêu; BHYT đạt 86,3% chỉ tiêu. Đối với các trường học hiện có 31.674 học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 94,5%. Hiện còn 1.848 học sinh chưa tham gia BHYT. Như vậy, số người chưa tham gia BHXH, BHYT còn khá lớn, chủ yếu tập trung ở nhóm người lao động, sử dụng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm lao động tự do, học sinh… Nguyên nhân đạt tỷ lệ thấp là do nhận thức trách nhiệm và sự vào cuộc của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa cao, chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHYT còn nhiều hạn chế; các tổ chức dịch vụ thu chưa chủ động hoạt động, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động; chất lượng khám chữa bệnh tại một số cơ sở y tế còn hạn chế…
Để hoàn thành các chỉ tiêu về an sinh xã hội năm 2022, từ nay đến cuối năm thành phố phải phát triển thêm 10.305 người tham gia BHXH bắt buộc; 2.625 người tham gia BHXH tự nguyện; 9.332 người tham gia BHTN và khoảng 30.329 người tham gia BHYT. Nhằm thực hiện được các chỉ tiêu đó, UBND thành phố Phan Thiết đã ban hành Chỉ thị số 01/CT- UBND chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Trong đó, giao cho UBND các phường, xã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT đạt hiệu quả; vận động cán bộ viên chức, người lao động gương mẫu đi đầu trong công tác vận động người thân và các thành viên trong gia đình tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng chính sách BHXH, BHYT nhằm vận động người dân tham gia, tập trung vào nhóm người chưa tham gia BHYT (học sinh, hộ gia đình, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người lao động các doanh nghiệp). Phối hợp cơ quan BHXH và các ngành liên quan tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng trong công tác khám chữa bệnh BHYT phù hợp với quy định và điều kiện thực tế. Đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa, huy động các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm an sinh xã hội. Các trường học triển khai nhiều giải pháp thực hiện BHYT cho học sinh, phấn đấu đạt 100% học sinh tham gia. Đưa chỉ tiêu học sinh tham gia BHYT vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của cơ sở giáo dục. Ngành thuế chia sẻ dữ liệu, thông tin danh sách hộ kinh doanh cá thể nộp thuế khoán, thuế môn bài, số lao động chưa có trong dữ liệu quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan BHXH tỉnh để phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đối với cán bộ làm công tác bảo hiểm phải đổi mới phương thức phục vụ người dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu. Chỉ đạo các tổ chức công đoàn tích cực phối hợp với BHXH và các cơ quan chức năng hỗ trợ tư pháp giúp người lao động bảo vệ quyền lợi hợp pháp; trường hợp cần thiết khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. Mặt khác, các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh gắn với trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ; đầu tư thiết bị máy móc kỹ thuật hiện đại để phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT có hiệu quả cao.