Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Phan Thiết, để có được kết quả trên, công tác tuyên truyền được xác định là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động. Đây là bước đầu tác động đến ý thức của cán bộ và nhân dân, hình thành nhận thức chung về cuộc vận động, từ đó định hướng hành động theo phương châm, mục đích đề ra. Theo đó, công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi, tuyên truyền qua hội nghị, các buổi tập huấn... Qua đó, người tiêu dùng đã có nhận thức ưu tiên mua sắm hàng Việt; các phòng, ban, cơ quan đơn vị khi trang bị, mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là hàng sản xuất tại Việt Nam. Các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.
Đặc biệt, trong triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2009-2024, các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn TP. Phan Thiết đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng nhất là các doanh nghiệp, công ty sản xuất nước mắm. Tại hệ thống siêu thị đóng trên địa bàn, hàng Việt luôn đạt tỷ lệ cao. Đối với kênh bán lẻ, chợ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt được các nhà kinh doanh, mua bán chọn giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, TP. Phan Thiết quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khúc mắc. Kiểm soát chặt chẽ việc ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công. Hỗ trợ cho các đơn vị đã đạt giải để đưa các sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ tại các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố...
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu và vệ sinh an toàn thực phẩm... Qua thanh kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản xử lý cơ sở vi phạm, các hành vi vi phạm chủ yếu: sản xuất thực phẩm ở môi trường không đảm bảo vệ sinh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ, sử dụng lao động không tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, vi phạm về nhãn mác hàng hóa... Có thể thấy, sau 15 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, thực tế đã chứng minh, sức tiêu thụ hàng Việt trên địa bàn TP. Phan Thiết trở nên sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân. Cùng với đó, sự đa dạng hàng hóa cũng là nguyên nhân chính thu hút người tiêu dùng đến với hàng Việt. Từ đó, cuộc vận động tạo được bước chuyển biến tích cực và có sự lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Để đẩy mạnh cuộc vận động trong thời gian đến, TP. Phan Thiết tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự thiết thực và hiệu quả. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thực hiện cuộc vận động. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn. Cùng với đó, phối hợp với các ngành chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, công ty tham gia các hội chợ, triển lãm. Thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn, để phục vụ nhân dân, hưởng ứng tháng cao điểm cuộc vận động với nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các đợt khuyến mại, giảm giá thành sản phẩm... để kích thích sản xuất và tiêu dùng.