Theo dõi trên

Trả lại nụ cười cho phụ nữ không may 

05/08/2016, 09:52

BT- ...Trong khốn cùng của buồn đau, nhiều người mẹ trẻ nghĩ đến chuyện không hay, lắm khi dẫn đến bi kịch. May mắn thay, vẫn còn một nơi cho những phận đời không may tìm về, đó là Trung tâm Bảo trợ xã hội Mái ấm tương lai ở xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân.

                
Những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi đang được    Mái ấm tương lai nuôi dưỡng.

Người xây tổ ấm

Có mặt tại Mái ấm tương lai vào buổi chiều muộn, một sơ chừng 60 tuổi dáng người nhỏ thó bước ra hỏi tôi: “Xin lỗi, em hỏi ai?”. Tôi nói muốn gặp sơ trưởng thì người đối diện nở nụ cười hiền hậu: “Sơ là sơ trưởng đây. Mời em vào nhà”. Có một chút bất ngờ xảy ra trong tôi bởi trước đó tôi hình dung sơ trưởng chắc là một người ít nói, khó gần, chưa kể sẽ xét nét hỏi thăm lý do tôi đến thăm mái ấm cũng nên.

Sinh năm 1956, người gốc Nghệ An. 3 năm trước đây, sơ trưởng Vũ Thị Vĩnh nhận sự điều động của Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết về Mái ấm tương lai, nơi đang giữ vai trò giúp đỡ những phụ nữ không may, các em gái lầm lỡ. Mái ấm được chính quyền cấp phép hoạt động từ  15/7 vừa qua, nhưng trước đó các hoạt động từ thiện, nhân ái trên đã có rồi. Đến nay có gần 50 phụ nữ, hàng trăm trẻ em bất hạnh được mái ấm cưu mang, cũng như một số người đã tìm được niềm vui, hạnh phúc.

Miệng nói, chân bước, sơ trưởng đưa tôi đi thăm một số “hoàn cảnh” đang nương nhờ mái ấm. Có em sinh con được gần năm, có em vừa sinh gần một tháng, có em vừa sinh vài ngày, có em đang ì ạch với cái bụng bầu gần đến ngày chuyển dạ… Mỗi người một hoàn cảnh nhưng cùng một điểm chung là còn rất trẻ. Có em tuổi 15 chỉ là học sinh lớp 7, em học lớp 11, em còn là sinh viên năm nhất đại học, cao đẳng.

Bấy nhiêu con người nhưng chỉ có 3 sơ lo toan mọi việc. Ngoài sơ trưởng Vĩnh, sơ Lý, sơ Đào, vẫn còn rất trẻ, trông ai cũng nhẹ nhàng, thân thiện, thấy ấm cả lòng.

 Những phận đời truân chuyên

Sơ giới thiệu tôi với Q.A, vừa tròn 20 tuổi, quê Tiền Giang. Sau phút ban đầu làm quen, em kể cho tôi nghe về tuổi thơ của mình. Em bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới chào đời. May sao được họ hàng cưu mang. Năm lớp 11 em quen và yêu một chàng trai. Em nói, do mê vẻ đẹp trai lãng tử, tin người đó là con nhà gia giáo nên em yêu hết mình. Khi phát hiện mình có bầu cũng là lúc bộ mặt thật của người yêu lộ rõ. “Lần cuối cùng gặp nhau, anh ta ném cho em 1 triệu đồng cùng hai hộp sữa nói rằng chỉ có bấy nhiêu thôi, cô tự mà lo lấy. Nhiều người khuyên em làm đơn kiện vì anh ta đang làm trong ngành pháp luật nhưng em nghĩ ép họ lấy mình cũng không thể hạnh phúc”. Q.A đã xin bảo lưu kết quả học tập, xin rửa chén bát ở một số quán ăn để sống qua ngày.  Thế rồi, Q.A dạt về thị xã La Gi, sinh con trong bệnh viện. May mắn là gặp sơ Lý. Sơ nói sẽ giúp hai mẹ con đến khi nào em bé cứng cáp. Lúc đó hai mẹ con muốn rời đi cũng được”. Đang mãi chuyện, bất chợt một khuôn mặt còn non choẹt ngó vào phòng, nói lớn: “Mời cô, mời chị ra ăn cơm”. Q.A nói với tôi: “Đó là H, 15 tuổi, quê ở Lâm Đồng, sinh con cũng được hơn 1 tháng rồi cô ạ”.

                
Q.A đang nuôi con nhỏ.

Không kìm được tò mò, sau giờ cơm, tôi lân la bắt chuyện H khi cháu đang cho con trai bú. H cũng bị va vấp trong tình yêu. H kể: “Mẹ cháu nói, nếu cháu ở nhà, bố mẹ  không còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ”. Thông qua người quen, bố mẹ H gởi H cho  Mái ấm tương lai, rồi sau này tính tiếp.

H bộc bạch: “Cháu ân hận lắm. Cháu không chỉ làm khổ đời mình mà còn làm khổ cả bố mẹ nữa”. Nói đến đây, ánh mắt H nhìn xa xăm, trong đôi mắt ấy hiện lên rất nhiều nỗi buồn.

Cũng độ tuổi 15 như H, nhưng M ở Tánh Linh lại là nạn nhân bị bức dâm nhiều năm liền. Đau đớn hơn, người cưỡng hiếp em lại là  người thân ruột rà và một gã hàng xóm 60 tuổi. Sau đó, người thân thú tính bỏ đi, gã hàng xóm sợ pháp luật trừng trị đã tự tử chết. Mẹ em gạt nước mắt đưa em vào mái ấm để trốn tránh dư luận. Còn M, dường như sau quá nhiều tủi hờn, đau khổ, lòng người mẹ trẻ đã chai lại ngay cả với con mình. Sơ Lý nói: “Ám ảnh vì sự giày vò trước đây nên M cũng hận luôn cả con. Nhiều đêm sơ phải thức dậy khuyên M dỗ con, thay vì để con khát sữa. Cuộc đời, sao lắm nỗi…!”. Sơ Lý thở dài rồi yên lặng. Sơ nói hằng đêm các sơ đều luôn nguyện cầu cho các bà mẹ trẻ ở Mái ấm tương lai được bình an, hạnh phúc, tìm thấy niềm vui…

 Dạy nghề và hướng nghiệp

Sau thời gian ở cữ, những người mẹ trẻ được các sơ dạy nghề làm hoa vôn, thêu tranh. Tiền  bán tranh, bán hoa sau khi trừ chi phí nguyên liệu, được các sơ dồn lại và sẽ trao cho hai mẹ con trong ngày họ rời mái ấm. Đó là chút vốn nhỏ để mẹ con mưu sinh. Với sinh viên đang bảo lưu kết quả học hành, các sơ sẽ giới thiệu cho một trung tâm nuôi trẻ gần nhất để gửi con và tiếp tục theo học. Nhờ vậy, có một số người mẹ trẻ đã vượt lên. Điển hình là Nguyễn Thị Sương Quỳnh (đổi tên) ở xã  Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam khi vào mái ấm đang là sinh viên năm nhất. Sau một năm, được sự giúp đỡ của các sơ, Sương Quỳnh cùng con vào lại Sài Gòn vừa học vừa làm và nuôi con. Đến nay, em đã có việc làm ổn định. Rồi Lan Anh ở Phan Thiết, Trường ở Nam Định, Thu Hoài ở Hà Nội… ngày tiễn mẹ con các em ra về, các sơ  hỗ trợ người ít 5 triệu đồng, người nhiều 15 triệu đồng để gây dựng chút vốn ban đầu. Các em vẫn thường xuyên liên lạc và kể cho các sơ nghe những khó khăn trong cuộc sống mình đã vượt qua, những niềm vui mình gặp được. Có những em xin được sơ tư vấn khi quyết định xây dựng gia đình với ai đó.

Ngoài việc lo cho những phụ nữ gặp hoàn cảnh trái ngang, Mái ấm tương lai còn nuôi dưỡng gần 30 đứa trẻ, từ lớp 1 đến lớp 7. Mỗi em một hoàn cảnh thương tâm. Có em, cha mẹ đi tù vì buôn ma túy. Em thì có ba mẹ chết vì HIV. Có em, ba mẹ bỏ rơi… Chỉ tính riêng cái ăn, cái mặc cho các em, hàng tháng Mái ấm phải chi một khoản tiền không nhỏ trong khi Mái ấm chưa có nguồn tài trợ chính. Một số gia đình có điều kiện hỗ trợ thêm một tháng 1 triệu đồng cho con. Nhiều bà con ở chợ Tân An, Tân Thiện thường gửi rau, đậu hũ, bầu bí để giúp sơ cải thiện bữa ăn cho mọi người. Cơ sở vật chất nơi đây cũng còn rất nghèo nàn, tất cả sinh hoạt đều chung trong một căn phòng nhỏ.

 Nhịp cầu nối những bờ vui

Mái ấm có quy định: “Nuôi con bằng sữa mẹ và mẹ không được bỏ con”, bởi thế Mái ấm luôn có cảnh “vào một ra hai” .

Sơ trưởng cười tươi thổ lộ: “Cũng nhờ  khuyên các em, các cháu giữ con nên các sơ đã nối lại được nhịp cầu cho nhiều cặp vợ chồng bằng cách gọi điện thoại vận động người thân của chàng trai, kể cả làm tư tưởng với các chàng trai. Đã có vài đám cưới được tổ chức sau đó, nhiều người mẹ trẻ được nhà chồng thừa nhận. Sơ Lý bảo: “Mỗi lần có đám cưới đoàn viên, các sơ  dù bận rộn thế nào cũng đến dự vì đó là người nhà của mình mà”.

    
      Mỗi con người không ai có thể nói trước được điều gì xảy ra trong  đời   bởi họa phúc luôn  song hành. Tình yêu, món quà tạo hóa ban tặng riêng   cho loài người cũng không nằm ngoài quy luật ấy.  Không ít những cuộc   tình trái ngang, những truân chuyên, trắc trở và bao giờ phụ nữ cũng là   người gánh chịu  mất mát, thiệt thòi nhất.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trả lại nụ cười cho phụ nữ không may