Chưa bao giờ người dân miền núi phía Bắc, nơi địa đầu Tổ quốc gặp thiên tai hoạn nạn như hiện nay. Chỉ trong vòng hơn 1 tuần kể từ khi cơn Bão số 3 bắt đầu đổ bộ, đã cướp đi hàng trăm sinh mạng ở các tỉnh như: Lào Cai, Cao Bằng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Do bão gây ra mưa lớn dẫn đến ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất… nhấn chìm, chôn vùi làng mạc, phố phường, phá hủy công trình trọng yếu như cầu, cống, đê điều. Theo thống kê mới nhất, tính đến chiều ngày 13/9 đã có 336 người chết và mất tích, trong đó 233 người chết, 103 người mất tích. Rất nhiều người sống trong tình trạng tạm bợ ở khu nhà cộng đồng, người thân trong tình thương của đồng bào, đồng chí. Nhưng với họ như vậy đã may mắn hơn so với những người nằm lại nơi lòng đất lạnh.
Điển hình như người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì lũ ống, lở đất chôn vùi cả làng. Tính đến nay đã tìm thấy hơn 40 thi thể, trong khi làng có 35 hộ dân, với 128 khẩu, chỉ có hơn 30 người sống sót.Mưa vẫn đang rơi ở một số vùng, có nơi nước đã rút, với tia nắng yếu ớt sau làn mây u ám, xám xịt nhiều ngày. Nhưng nhiều khu vực vẫn đặt trong cảnh báo đỏ, người dân chưa thể về nhà. Song, họ có về nhà cũng không biết ở đâu, vì nhà đã mất, đã hư hỏng nghiêm trọng, đầy mùi bùn, tang tóc. Dù vậy họ cảm thấy không cô đơn khi nhân dân cả nước có nhiều hành động cụ thể hướng về chăm lo cho mình.
Cụ thể, các cấp chính quyền và rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn, công ty, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương tới địa phương. Trong đó có các cấp chính quyền, nhân dân Bình Thuận ủng hộ 3 tỷ đồng. Số tiền này ủng hộ riêng Tuyên Quang - tỉnh kết nghĩa với Bình Thuận 2 tỷ đồng. Đây là con số trước mắt, Bình Thuận vẫn đang phát động nhân dân tiếp tục ủng hộ bằng mọi nguồn lực với tinh thần “tương thân tương ái”, “nhường cơm sẻ áo”, động viên đồng bào vùng lũ vượt lên khó khăn, hoạn nạn.
Đó là về mặt phát động của chính quyền, chưa kể tổ chức, cá nhân ở Bình Thuận tự nguyện ủng hộ bằng hiện vật như nhu yếu phẩm, quần áo... Họ chất lên xe chạy ngày đêm để kịp chở ra vùng lũ và vẫn đang tiếp tục khi quay trở lại điểm xuất phát.
Những chuyến xe thiện nguyện ấy hòa vào những chuyến xe như vậy của tỉnh, thành khác trên cả nước thể hiện tình cảm, lòng sẻ chia của người dân Bình Thuận nói riêng cả nước nói chung đối với đồng bào vùng lũ. Và hơn thế là thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước: cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam là một thực thể thống nhất, đồng bào các dân tộc đều được quan tâm, chăm lo và bình đẳng trước pháp luật; cùng đoàn kết xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta đang được thắp sáng hơn bao giờ hết, góp phần động viên, tiếp sức người dân địa đầu Tổ quốc vượt qua khó khăn, hoạn nạn… trong đó có trái tim và tấm lòng người Bình Thuận.