Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đã thông tin khái quát về kết quả triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 70 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 34 sản phẩm 4 sao, còn lại 3 sao, chủ yếu là các sản phẩm chủ lực, lợi thế như nước mắm, thủy hải sản khô và đông lạnh, thanh long và các sản phẩm chế biến từ thanh long.
Chủ trương chương trình OCOP Bình Thuận phát động, không chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng cũng như khuyến khích các chủ thể tập trung vào khâu chế biến, chế biến sâu giảm tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm thô, gia tăng về giá trị. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, mỗi năm phát triển mới từ 15 -20 sản phẩm, đến cuối năm 2025 có khoảng 130 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Về phía tỉnh Quảng Nam, nhờ áp dụng chương trình OCOP sớm hơn Bình Thuận 2 năm nên đến nay đã có 333 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 58 sản phẩm 4 sao, còn lại 3 sao. Tỉnh Quảng Nam đã đăng ký chỉ dẫn địa lý cho 4 sản phẩm, gồm sâm Ngọc Linh, yến sào Cù Lao Chàm, quế Trà My và tiêu Tiên Phước.
Đồng thời, hỗ trợ chủ thể đưa 180 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Post mart.vn và 170 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.vn. Tại buổi làm việc, các bên đã trao đổi về cách thức tiếp cận, phân bổ nguồn vốn cho chương trình OCOP; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, lựa chọn cách làm hay, phù hợp để áp dụng thực hiện chương trình OCOP có hiệu quả trong thời gian tới.