Theo báo cáo của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai các nội dung công việc phục vụ đề án theo lộ trình đề ra. Đến nay, các sở, ngành, địa phương từ cấp huyện đến cấp xã đã triển khai dịch vụ công thiết yếu mức độ 3, mức độ 4.
Tính đến ngày 10/5/2022, toàn tỉnh đã thu nhận trên 1 triệu hồ sơ căn cước công dân (CCCD), trong đó cấp tài khoản định danh điện tử kèm hồ sơ CCCD cho 5.474 trường hợp và cấp tài khoản định danh điện tử cho 564 trường hợp. Đã truyền dữ liệu về Trung ương hơn 1.039.000 hồ sơ (đạt 99,52%).
Đối với 11 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực của Công an tỉnh, từ ngày 1/2/2022 đến nay toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.625 hồ sơ, trong đó có 2.612 hồ sơ thông báo lưu trú. Công an tỉnh cũng phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng của chip điện tử gắn trên thẻ CCCD để xác thực thông tin khách hàng, chống giả mạo, phục vụ giải quyết giao dịch cho người dân được thuận lợi, nhanh chóng.
Đối với 14 dịch vụ công của các sở, ngành, từ ngày 1/2/2022 đến nay đã liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi là 5.704 hồ sơ; cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 1.573 trường hợp. Các trường hợp đều được giải quyết đúng hạn theo quy định.
Ngoài ra, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe 2.714 trường hợp; đăng ký thuế lần đầu cho 17.411 cá nhân và 191 doanh nghiệp; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp cho 11.105 trường hợp,...
Bên cạnh kết quả đạt được, đại diện các sở, ngành, địa phương cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 06. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn thấp, còn tâm lý nộp trực tiếp tại bộ phận Một cửa để yên tâm hơn. Một số đơn vị sử dụng lao động và người tham gia cung cấp thông tin về nhân thân, quá trình tham gia đóng BHXH, BHYT chưa đầy đủ, chưa chính xác dẫn đến việc hiệu chỉnh, đính chính thông tin cá nhân còn nhiều. Công tác làm sạch dữ liệu thông tin dân cư của lực lượng Công an còn gặp một số vướng mắc do hệ thống hoạt động chưa ổn định, nhiều phần mềm chưa hoàn thiện. Trang thiết bị công nghệ thông tin tại một số sở, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu công tác.
Qua nghe báo cáo và những kiến nghị tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương coi đây là nhiệm vụ quan trọng của mình trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Do đó, phải quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền vì đây là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của tỉnh. “Đây không phải là đề án riêng của lực lượng Công an mà cần có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và của người dân. Toàn tỉnh phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2022 sẽ hoàn thành việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc các lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động,... để phục vụ người dân, doanh nghiệp” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đồng thời, tập trung ưu tiên củng cố, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực làm sạch dữ liệu để kết nối, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong quá trình xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin.