Với việc ban hành Luật Căn cước công dân, đây là lần đầu tiên kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, việc cấp giấy tờ tùy thân cho công dân Việt Nam được quy định thành luật, mang tính pháp lý cao nhất. Luật quy định việc cấp, đổi, cấp lại và sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân là một bước tiến lớn trong việc phục vụ yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế; quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp, quản lý số định danh cá nhân, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân.
Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ cũng được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ căn cước công dân theo quy định của pháp luật. Theo chiến lược của Bộ Công an, thẻ căn cước công dân cũng sẽ dần thay thế sổ hộ khẩu.
Với những tiện ích của thẻ căn cước công dân đã được sự hưởng ứng của nhân dân và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đến nay đã có khoảng 4 triệu người dân ở 16 địa phương gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình đã được cấp, đổi thẻ.
Để việc triển khai việc cấp, đổi thẻ căn cước công dân trên địa bàn tỉnh đạt kết quả, yêu cầu trước hết là các cơ quan truyền thông tỉnh như Báo Bình Thuận, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng như Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Thông tin & Truyền thông và các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật Căn cước công dân, Quyết định số 267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1193/QĐ-BCA của Bộ Công an, Quyết định số 3128/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và các văn bản có liên quan đến Luật Căn cước công dân để mọi người hiểu và thấy được trách nhiệm của mình trong việc tích cực thực hiện chủ trương cấp, đổi thẻ căn cước công dân.
Công an tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm chính cần chủ động phối hợp với các sở ngành, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, tập huấn chuyên sâu Luật Căn cước công dân và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, hội viên Hội Luật gia, báo cáo viên pháp luật công an các cấp, cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý căn cước công dân và công an xã.
Công an các đơn vị, địa phương cần bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc tốt làm công tác quản lý căn cước công dân; bố trí nơi tiếp công dân thuận tiện. Trong quá trình làm nhiệm vụ, phải chủ động cải tiến phương pháp, lề lối làm việc, bảo đảm đơn giản, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch đúng trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân; đồng thời giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của pháp luật.
Thế Nam