Theo chủ trương, định hướng của tỉnh, phát triển đô thị thông minh sẽ được triển khai trên cơ sở giải quyết các vấn đề của quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh, thực hiện các dịch vụ, tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy bảo tồn và giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Hiện nay, một số địa phương đã bắt tay vào xây dựng, phê duyệt và triển khai các đề án, dự án, định hướng phát triển đô thị thông minh, tìm kiếm và triển khai các giải pháp cho xây dựng đô thị thông minh. Đặc biệt là ngày 10/12/2022, TP. Phan Thiết đã tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Phan Thiết (IOC). Trung tâm Điều hành đô thị thông minh Phan Thiết giai đoạn thí điểm với tổng mức đầu tư 2,9 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Theo đó xây dựng đưa vào vận hành 9 phân hệ gồm: Hệ thống Phản ánh hiện trường; Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội; Hệ thống Giám sát thông tin, báo chí, truyền thông trên không gian mạng; Hệ thống Camera giám sát an ninh trật tự; Hệ thống Giám sát lĩnh vực Y tế; Hệ thống Giám sát lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo; Hệ thống Camera giám sát vi phạm giao thông; Hệ thống Du lịch thông minh và Hệ thống Giám sát dịch vụ công. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển tại các đô thị cũng dần xuất hiện những hạn chế, những bất cập lớn đặc biệt trong đó là sự phát triển còn thiếu tính bền vững.
Để giải quyết các vấn đề này các đô thị cần có những nghiên cứu, lựa chọn và chuyển hướng phát triển nhằm đảm bảo đô thị có tính kết nối, có bản sắc. Giải quyết các vấn nạn đô thị như ô nhiễm môi trường, ngập úng, tắc nghẽn giao thông… Xây dựng, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội, thành quả của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), phù hợp với xu hướng quốc tế và hướng tới phát triển bền vững cũng là sự lựa chọn chính xác nhất với các đô thị trong bối cảnh hiện nay.
Để việc triển khai Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bình Thuận đạt hiệu quả, đảm bảo khả năng liên thông, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa IOC cấp tỉnh và IOC cấp huyện, đặc biệt là tránh việc đầu tư trùng lắp, lãng phí do phát sinh nhiều hệ thống, ứng dụng cùng thực hiện một nội dung, lĩnh vực, không tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng UBND tỉnh cho biết đã giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông - Khẩn trương triển khai xây dựng IOC Bình Thuận và đưa vào vận hành thử nghiệm trong quý II năm 2023. Phối hợp với UBND thành phố Phan Thiết đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm IOC Phan Thiết, trên cơ sở đó báo cáo và tham mưu UBND tỉnh định hướng mô hình triển khai IOC cấp huyện đạt hiệu quả, đảm bảo phù hợp với các điều kiện của tỉnh và chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
UBND tỉnh còn giao cho UBND TP. Phan Thiết chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm IOC Phan Thiết, trên cơ sở kết quả đánh giá, đề xuất nội dung, phương án triển khai IOC Phan Thiết trong giai đoạn tiếp theo. Đối với UBND các huyện, thị xã, tạm thời chưa tiến hành triển khai xây dựng IOC cấp huyện trong thời điểm hiện nay, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo, định hướng các nội dung triển khai cụ thể trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông, sau khi có kết quả đánh giá về việc vận hành thử nghiệm IOC Phan Thiết.