Theo dõi trên

Trở lại vùng lũ xã Suối Kiết

12/10/2023, 07:43

Sau 10 ngày chúng tôi trở lại vùng lũ xảy ra vào ngày 1/10 tại khu vực kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân tiếp giáp với suối Mơ xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh. Thiệt hại về cây trồng của bà con là rất lớn nhưng nỗi lo lắng, nhất là khi tới đây tình trạng ngập lụt còn bị tái diễn thì khu vực này không thể canh tác được.

Đã nhiều ngày rồi mà quýt vẫn còn rụng đầy gốc, anh Nguyễn Văn Linh, thôn 1, xã Suối Kiết chủ vườn cây ăn trái xót xa nói. Năm 2019 anh tiến hành trồng hàng trăm gốc quýt xen canh cây bưởi, sầu riêng, mít… tưới tự động trên diện tích hơn 3 ha, với mức đầu tư cả tỷ đồng. Vụ Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình thu được 70 tấn quýt cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Đầu tháng 10 này sẽ có một lứa quýt cho thu hoạch và một số đang trong giai đoạn trái non để bán vào dịp tết. Thế nhưng cơn nước lũ tràn về đã làm ngập hư hại gần như hoàn toàn 700m2 trên tổng số hơn 3 ha, trong đó trồng 200 cây quýt, 40 cây sầu riêng đang ra trái bói, 100 cây mít và 70 cây bưởi, 200 cây gió bầu. Nước lũ còn làm trôi 1 cây cầu sắt gia đình đầu tư để đi lại và giúp bà con đồng bào dân tộc qua lại qua suối Mơ sản xuất. Tổng thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trong năm nay, đây là lần thứ 2 vườn cây ăn trái bị nước ngập. Hiện nay gia đình đang gặp khó khăn vì đã thế chấp sổ đỏ vay vốn đầu tư, giờ không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ và đầu tư chăm sóc cải tạo lại vườn cây ăn trái, ông Linh than thở.

ong-linh-chu-vuon-quyt.jpg

Còn ông Nguyễn Năm, thôn 1, xã Suối Kiết cho biết, nước lũ đầu tháng 10 này cũng làm ngập một ao cá của gia đình đang chuẩn bị cho thu hoạch, nhiều diện tích cây công nghiệp, tre lấy măng cũng bị ngập thiệt hại. Điều ông Năm lo lắng nhất là mấy chục năm sinh sống ở đây thì chưa có năm nào nước suối Mơ lớn và chảy xiết như vậy. Tháng 7 vừa qua, nước lũ đã cuốn trôi cây cầu dân sinh bắc qua suối Mơ. Không có cầu người dân không đi cạo mủ cao su được nên bà con đã bắc một cây cầu tạm nhưng vừa làm xong tiếp tục bị nước lũ cuốn trôi. Tiếp đó làm một phà tạm (gọi là phà nhưng chỉ 4 cái thùng phi kết lại dùng dây để kéo qua lại), tuy nhiên không an toàn nên người dân làm lại một cây cầu tạm khác để đi lại sản xuất. Bà con rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư một cây cầu kiên cố để qua lại suối Mơ vào khu vực 814 ha cạo mủ cao su an toàn. Vì đây là con đường giao thông nông thôn huyết mạch để nhân dân xã Suối Kiết đi lại sản xuất.

Ông Hoàng Minh Tuệ, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Kiết cho biết: Mưa lũ năm nay đã gây thiệt hại lớn về cây trồng, hạ tầng giao thông của địa phương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nước trên kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân lớn đã đổ vào suối Mơ rồi chuyển qua suối Giêng, nhưng suối Mơ nhỏ hẹp, nước thoát không kịp gây ngập úng. Tổng diện tích thiệt hại trên 20 ha/15 hộ, chủ yếu là cây công nghiệp, cây ăn trái; nhiều cầu cống bị sạt lở, trong đó đặc biệt là cây cầu dân sinh bắc qua suối Mơ vào khu sản xuất 814 bị nước lũ cuốn trôi. Địa phương đã có kiểm tra thực tế và báo cáo cấp trên xem xét hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân và đầu tư cây cầu bắc qua suối Mơ để đảm bảo cho nhân dân đi lại sản xuất.

Điều người dân xã Suối Kiết lo lắng nhất hiện nay là tình trạng ngập lụt, hư hại cây trồng liệu có bị tái diễn trong thời gian tới vì con suối Mơ nhỏ hẹp không thể tiếp nhận nguồn nước lớn từ kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân. Điều này đồng nghĩa sẽ còn bị thiệt hại dài dài sản xuất của người dân.

NGỌC KHÁNH


(1) Bình luận
Bài liên quan
Công đoàn Viên chức tỉnh phát động đoàn viên thi cải cách hành chính
Công đoàn Viên chức tỉnh vừa có văn bản phát động các cơ quan, đơn vị vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia cuộc thi “Tìm hiểu về cải cách hành chính” tỉnh Bình Thuận năm 2023. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trở lại vùng lũ xã Suối Kiết