Theo dõi trên

Trồng cỏ vetiver chống cát tràn ở Hàm Tiến, Mũi Né?

23/05/2024, 05:01

Dồn dập các báo đưa tin, hình ảnh về trận cát tràn vừa xảy ra trên đường Nguyễn Đình Chiểu và Huỳnh Thúc Kháng thuộc phường Hàm Tiến và Mũi Né (TP. Phan Thiết) do ảnh hưởng trận mưa lớn vào đêm 20 rạng ngày 21/5/2024.

Nhiều khúc đường bị cát đỏ vùi lấp

Theo đó, nhiều ngôi nhà có phần mặt tiền và đường đi lại chìm sâu (trên dưới 0,5m) trong lớp cát đỏ phong hóa cũng như không ít xe máy, ô tô bị cát phủ lấp. Ước tính để có thể đi lại được, khắc phục toàn bộ hậu quả của lũ cát, phải bóc đi lượng lớn khối cát đỏ trong nhiều ngày, tốn kém tiền bạc cho việc khôi phục cảnh quan của các cơ sở kinh doanh du lịch nằm trên 2 con đường trên. Đây không phải là lần đầu tiên cát tràn xảy ra tại Mũi Né và Hàm Tiến. Gần nhất là tối ngày 29 và sáng ngày 30/6/2021, cơn mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở, cát tràn tại khu phố 1 và khu phố 2, phường Hàm Tiến. Giải thích nguyên nhân cát tràn vừa xảy ra, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Văn Đại cho biết, khu vực xảy ra hiện tượng trên là địa điểm xây dựng hạ tầng một dự án. Đây là khu vực đất trống, đang được triển khai san gạt đất trên nền đất có tính chất kết dính kém. Ven tuyến đường giao thông lối đi vào dự án không có kè cứng nên dễ xảy ra hiện tượng sạt khi có mưa lớn.

z5460485522717_de05cb322a69353f94ac0800afb8c0da.jpg

Vấn đề đặt ra lúc này là có thể khắc phục, ngăn chặn phần nào tình trạng với phường Hàm Tiến và Mũi Né được không? Ai cũng biết đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Huỳnh Thúc Kháng là đường ven biển, một bên là đồi cao với cát đỏ phong hóa. Thời Bình Thuận mới phát triển du lịch, trên các ngọn đồi này còn rất nhiều thảm thực vật, cây dương… và cát sát chân động cát, do tập quán canh tác của người dân, cây dừa là giống cây trồng chủ lực… nhờ vậy giữ được nước mưa, kể cả khi mưa lớn. Theo lẽ thông thường: Đa phần nước bề mặt của một trận mưa chảy tràn trên đất, trước khi ngấm vào đất, tạo thành nước ngầm. Vì vậy, nếu bề mặt đất bị bào mòn, không có thực vật giữ nước, nước sẽ rất mạnh tạo thành lũ, nếu có độ dốc. Hiểu được điều này, cách đây 20 năm, khi thượng nguồn sông Hương bị xói lở, các nhà khoa học đã nghĩ ngay đến cỏ vetiver để khắc phục.

Trường Đại học Cần Thơ kết hợp với các chuyên gia quốc tế đã tổ chức hội thảo “Hệ thống cỏ vetiver khắc phục thảm họa tự nhiên và môi trường tại Việt Nam”, được Báo Tuổi Trẻ đưa tin. Hiệu quả từ cỏ vetiver được chứng minh bằng những con số khá thuyết phục. Theo đó, hàng năm huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang mất trên 3.750.000m3 đất do sạt lở, ước thiệt hại trên 16 tỷ đồng. Kết quả trồng cỏ vetiver để chắn sóng, chống lũ, lún, sạt lở ở các vùng đầu nguồn lũ đã phát huy tác dụng. Những năm gần đây, An Giang đẩy mạnh trồng giống cỏ vetiver với mục đích chống sạt lở; một số tỉnh miền Đông, miền Bắc nước ta cũng triển khai trồng loại cỏ này vì để chống xói mòn, sạt lở.

Như vậy, cỏ vetiver như thế nào? Ở Việt Nam, cỏ vetiver được gọi là cỏ hương bài hoặc cỏ hương lau, có tên khoa học là vetiveria zizanioides L, bắt nguồn từ Nam Ấn Độ. Cỏ vetiver mọc thành bụi dày đặc, từ gốc, rễ mọc ra rất nhiều chồi ở các hướng. Thân cỏ mọc thẳng đứng, cao trung bình 1,5 - 2m. Phần thân trên không phân nhánh, phần dưới đẻ nhánh rất mạnh. Hệ thống rễ cỏ vetiver không mọc trải rộng mà lại cắm thẳng đứng sâu vào trong đất, kể cả rễ chính, rễ thứ cấp hoặc rễ dạng sợi. Rễ có dạng chùm không mọc trải rộng mà lại cắm thẳng đứng sâu 3-4m, rộng đến 2,5m sau 2 năm trồng. Rễ của vetiver có khả năng chống chịu được nước xói, lũ, nhờ vào bộ rễ sâu, bám sâu vào đất.

Trồng vetiver ở đồi cát Hàm Tiến - Mũi Né?

Phan Thiết cần sớm nghiên cứu về cỏ vetiver trong việc chống xói lở cát, đất. TP. Phan Thiết có thể đầu tư một nguồn vốn, kết hợp kêu gọi vốn từ các dự án du lịch. Người dân được khuyến khích trồng vetiver trên phần đất có độ dốc của mình. Các dự án trước khi xây dựng hạ tầng đều có chỉ tiêu trồng cỏ trên phần đất tiếp giáp dự án. Với khoản kinh phí không lớn lắm, cùng những nhà nhân giống cỏ tốt, thì một vài năm tới, TP. Phan Thiết sẽ có đủ số cỏ cho mục đích chống xói lở.

HÀ THANH TÚ


(0) Bình luận
Bài liên quan

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh:
Tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568
BTO-Sáng 22/5 (15/4 âm lịch), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh đã trang trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 – Dương lịch 2024. Dự lễ có bà Nguyễn Thị Thuận Bích – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể cùng các thượng toạ, tăng ni, phật tử trong tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng cỏ vetiver chống cát tràn ở Hàm Tiến, Mũi Né?