Sinh ra và lớn lên ở An Giang, người con miệt vườn ấy đã mê trồng cây trái từ thuở nhỏ. Đó cũng là lý do khi quyết định ra vùng đất Hàm Phú lập nghiệp vào năm 2013. Ông đã mua đất trồng toàn những thứ cây ăn quả đặc sản ở miền Tây như xoài, mít và đặc biệt là giống ổi lê (gốc Đài Loan). Theo chân ông Phược ra vườn ổi, tôi thật sự thích thú trước một màu xanh mướt của những gốc ổi đang sai trĩu quả. Ông Phược hồ hởi nói: “Đặc điểm của giống ổi này cho trái quanh năm, trái ngọt, giòn, ít hạt và quan trọng là không đòi hỏi nhiều công chăm sóc như các giống cây trồng khác, ít tốn kém”. Ông cho biết ban đầu cũng lo cây không phát triển và thích hợp với vùng đất này, nhờ chịu khó học hỏi cách trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên 2 năm trở lại đây, vườn ổi nhà ông phát triển rất tốt, cho quả đều.
Theo ông Phược, thông thường, mỗi cây ổi được trồng cách nhau khoảng 2 – 2,5m. Ổi trồng 8 – 9 tháng sẽ cho thu hoạch. Muốn ổi đạt chất lượng cao, cho trái to, ngọt, cần phải bón phân từ lúc ổi mới ra hoa đến khi thu hoạch.đồng thời cắt bỏ bớt những cành lá, tạo sự thông thoáng cho cây và giúp cây nuôi trái. Khi trái to bằng ngón tay cái, dùng túi xốp hay nilon bao lại để tăng giá trị thương phẩm khi xuất bán. Phương pháp này giúp trái ổi hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là ruồi cánh vàng đục trái. Khoảng từ 30 – 45 ngày sau khi bọc, ổi bắt đầu thu hoạch được. Hiện tại với 600 cây ổi, mỗi ngày gia đình ông bán từ 50 – 60 kg ổi cho các thương lái ở các chợ lân cận với mức giá ổn định 7.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, cũng mang về cho gia đình ông nguồn thu đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Ngư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Phú cho biết, chính nhờ mô hình trồng ổi của hộ ông Phược cho thấy vùng đất này rất có tiềm năng về phát triển cây ổi. Mô hình này sẽ giúp người nông dân có thêm hướng đi mới để vượt khó làm giàu.
S.Mai