Theo nội dung phương án của đơn vị trục vớt, các phương tiện tham gia và biện pháp thực hiện được bố trí gồm 1 cần cẩu nổi sức nâng 350 tấn và 1 cần cẩu nổi sức nâng 130 tấn, tàu kéo, tàu hút bùn, máy lặn cạn, máy nén khí, phao vây dầu… Biện pháp trục vớt thanh thải tàu Bạch Đằng được thực hiện theo các bước, gồm thanh thải hàng hóa, bơm hút dầu, di dời tàu ra vùng nước sâu, làm nổi tàu, cầu lật, sau đó bơm nước trong các hầm két ra ngoài, kéo tàu vào trong cảng neo đậu.
Đặc biệt, trong phương án thanh thải hàng hóa, quá trình bơm hút, nếu phát hiện màng dầu trôi nổi, sẽ tiến hành thả phao vây dầu, thu gom màng dầu…
Quá trình trục vớt, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật của các phương tiện trước khi thi công. Đồng thời, phải tạm ngưng thi công khi có yêu cầu hoặc điều kiện thời tiết không đảm bảo an toàn.
Công ty Cổ phần trục vớt Cứu hộ Việt Nam cam kết tuân thủ thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong quá trình thực hiện. Mặt khác, tự chịu trách nhiệm về điều kiện an toàn về người và phương tiện tham gia trục vớt.
Trước đó, ngày 16/3, thợ lặn của Công ty Cổ phần trục vớt Cứu hộ Việt Nam đã tiến hành khảo sát tàu Bạch Đằng bị chìm, hiện trạng của tàu bị chìm ở khu vực biển bãi ngang Mũi Né, cách bờ khoảng 300m. Tại thời điểm tàu chìm, tàu Bạch Đằng chở 1.500 tấn hàng tro than, số lượng nhiên liệu còn lại trong tàu khoảng 2.200 lít dầu D.O.
Liên quan đến việc xác định nguyên nhân tàu Bạch Đằng chìm vào ngày 14/3, theo báo cáo của cơ quan chức năng, là do sóng lớn, tàu bị nước tràn vào và bị lật úp…
K.Hằng