Với thái độ khiêm tốn, nhã nhặn và mến khách, anh Vĩnh từ tốn kể, sinh ra tại một vùng quê nghèo nằm bên sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Tuổi thơ của anh là những đêm dài nằm hầm trú ẩn trốn tránh bom đạn trong chiến tranh và những tháng năm vượt hàng trăm cây số để đi sơ tán ra tận vùng Tân Kỳ, Nghệ An. Khi đất nước thống nhất, anh theo gia đình vào Nam lập nghiệp.
Cũng như bao người bình thường khác, anh tích cực lao động sản xuất với mong muốn xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên đến năm 30 tuổi đôi mắt của anh cứ mờ dần rồi tắt hẳn, đây là di chứng của một lần bị thương ở vùng mắt thời tuổi nhỏ.
Mặc dù gia đình đã đưa đi chữa trị khắp nơi, nhưng không có kết quả. Biết chắc hết hy vọng sáng mắt trở lại, niềm tin vào cuộc sống đôi lúc làm anh bế tắc. Nhưng lo lắng lớn nhất là làm gì để không trở thành gánh nặng gia đình, làm gì để phụ giúp vợ con? Những câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu khiến anh không khỏi băn khoăn lo lắng, thế nhưng được sự động viên giúp đỡ của gia đình, người thân anh đã dần lấy lại cân bằng và quyết tâm tự lực để vươn lên trong cuộc sống.
Bắt đầu từ những sào rẫy trồng mì, trồng cao su ban đầu, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, anh đã dần khai phá và mua thêm đất để trồng cao su và đến năm 2018 gia đình anh tiếp tục đầu tư thêm xưởng gạch không nung tại gia đình; trước mắt để xây dựng lại nhà cửa, hàng rào và khi thấy hiệu quả, nhiều khách hàng đã đến đặt mua sản phẩm. Đến nay xưởng của gia đình anh sản xuất bình quân khoảng 20.000 viên mỗi tháng.
Quả thực, nhìn thành quả lao động hiện đang có của anh không ai nghĩ anh là người bị khiếm thị. Hiện anh đang điều hành xưởng sản xuất gạch không nung, tạo việc làm ổn định cho 5 công nhân, với mức thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng/tháng, và hàng chục lao động thời vụ lúc nông nhàn. Ngoài ra anh cùng gia đình còn tổ chức sản xuất 8 ha cao su, 2 ha điều, tạo việc làm cho 6 lao động ở địa phương, thu nhập bình quân của gia đình hiện khoảng 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Năm 2018 gia đình anh đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây nhà và mua sắm vật dụng trong gia đình và các con anh cũng được học hành đến nơi đến chốn. Hiện cháu lớn đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đang tham gia công tác tại địa phương, cháu thứ 2 đang học đại học, một cháu đang học THCS.
Có được những thành quả đó là cả một sự nỗ lực cố gắng vươn lên của một người khiếm thị như anh. Có thể nói, Trương Khắc Vĩnh là tấm gương tiêu biểu vượt khó của người khiếm thị - “tàn nhưng không phế”.