![]() |
Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt giải trong Cuộc thi tìm hiểu 70 năm truyền thống ngành quân y. |
Những bác sĩ, y sĩ, y tá phục vụ chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến nay tóc đã hoa râm, trở thành ông, thành bà, cùng quây quần nhớ về các đồng đội đã anh dũng ngã xuống để làm nên chiến thắng. Nhớ về những tháng ngày đầy gian khổ, khó khăn của ngành quân y Bình Thuận. Dũng cảm, tận tụy, nghĩa tình luôn sát cánh cùng bộ đội trong các trận đánh, quân y lực lượng vũ trang tỉnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa thương binh. Kỷ niệm 70 năm ngành quân y là dịp để mỗi cán bộ ngành quân y vinh dự, tự hào ôn lại truyền thống vẻ vang của mình. Bác sĩ Đặng Đình Bông, người đã cứu chữa, điều trị cho hàng ngàn thương binh, bệnh binh cho biết: “Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh thành lập năm 1960 chỉ với 3 y tá, 2 ống tiêm, 1 nhiệt kế, 1 ống nghe. Thế nhưng qua từng trận đánh cùng bộ đội anh em trưởng thành lên. Đánh đồn thu chiến lợi phẩm, thuốc men, dụng cụ của địch về trang bị, phục vụ cho mình. Rồi theo thời gian tay nghề, trình độ của đội ngũ quân y được nâng lên nhờ cử đi đào tạo, trên điều về, rút kinh nghiệm, học tập nhau trong quá trình điều trị. Dù hoàn cảnh thế nào, lực lượng quân y cũng có mặt ở tuyến đầu, cùng bộ đội vừa chiến đấu, vừa cấp cứu thương binh, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt”. Còn với bác sĩ Lê Bi, phục vụ quân y trong chống Pháp, chống Mỹ và qua giúp bạn Campuchia nhớ về đồng đội, về những thương binh do vết thương quá nặng đã hy sinh trên tay mình, ông tâm sự: “Có nhiều khi để khỏi bị lộ, mình phải dùng chính tính mạng của mình để đánh lạc hướng và dụ máy bay địch ra khỏi khu vực bệnh xá. Có nhiều y tá, bác sĩ vừa mổ, vừa truyền máu mình cho thương binh, y, bác sĩ nhịn ăn để nhường cơm, cháo cho thương binh là chuyện thường ngày trong chiến tranh. Khó khăn, đói khổ thế nào anh em quân y cũng hết lòng vì thương binh”.
Diễn văn ôn lại truyền thống 70 năm ngành quân y, Đại tá Phạm Văn Long - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh nhấn mạnh: Ngay sau khi được thành lập ngày 16/4/1946, ngành quân y tập trung xây dựng lực lượng, trực tiếp phục vụ chiến đấu, tổ chức đào tạo y tá, dược tá, bác sĩ quân y, chế tạo dụng cụ y tế và sản xuất thuốc đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngành quân y đã xây dựng được một hệ thống hoàn chỉnh, lực lượng lớn mạnh; đào tạo ra nhiều y tá, dược tá, dược sĩ, bác sĩ bổ sung cho chiến trường. Đội ngũ quân y Bình Thuận luôn có mặt trên chiến trường, không ngừng trưởng thành, phát huy kinh nghiệm chữa bệnh, hết lòng cứu chữa thương binh, bệnh binh và nhân dân. Các thế hệ thầy thuốc quân đội không ngại hy sinh, gian khổ. Hình ảnh của người thầy thuốc đã trở thành niềm tin của bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Phát biểu trong lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ quân y trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Yêu cầu Bộ CHQS tỉnh và ngành quân y tiếp tục thực hiện tốt mô hình quân dân y kết hợp; đầu tư trang thiết bị, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào chẩn đoán, cấp cứu và điều trị bệnh. Y, bác sĩ tích cực học tập, ra sức rèn luyện y đức, xây dựng niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, nhất là trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân, nêu cao hình ảnh đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, “người thầy thuốc mang quân hàm” trong lòng nhân dân.
Duy Thỉnh