Theo dõi trên

Từ hào khí 30/4 đến sự phát triển quê hương hôm nay

29/04/2023, 07:55

BTO-Với mỗi người dân Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng, ngày 30/4/1975 là ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày chấm dứt những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hôm nay, tinh thần chiến thắng 30/4 đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kí ức không quên

z4304043373369_b2befcc912b12d18a442d4728f2e1d58.jpg
Lực lượng Tiểu đoàn Bộ binh 482 xung phong đánh chiếm Chi khu Ma Lâm - Thiện Giáo ( Ảnh tư liệu)

Sau 51 ngày đêm (8/3- 27/4/1975) liên tục tấn công và nổi dậy, quân, dân Bình Thuận đã giải phóng hoàn toàn quê hương, góp phần cùng quân dân cả nước lập nên kỳ tích đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hôm nay, Bình Thuận đã vươn mình thay da đổi thịt, nhưng ký ức về những ngày tháng cùng đồng đội giải phóng quê hương vẫn in đậm trong tâm trí của những người lính kiên cường.

Tham gia cách mạng và trực tiếp cầm súng chiến đấu từ năm 1961 đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Đại tá Văn Minh Trường (thôn Đại Thiện, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) vẫn không thể quên những kí ức gian khổ nhưng đầy hào hùng ngày ấy. Ông cho biết: Ông trực tiếp chỉ huy, chiến đấu giải phóng 4/6 tỉnh trực thuộc Quân khu 6 (gồm Bình Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức), với rất nhiều trận đánh, nhưng trận chiến đấu tiêu diệt Chi khu Võ Đắc là ác liệt nhất trong đời quân ngũ của ông.

Ông kể, rạng sáng ngày 20/3/1975 lực lượng đặc công áp sát cửa mở Chi khu Võ Đắc. Dưới làn đạn, pháo dày đặc, hệ thống thông tin của ta bị tê liệt, một quyết định sinh tử được đưa ra lúc này. “Tôi cùng với đồng chí chủ nhiệm thông tin và đồng chí liên lạc, vượt ngoài công sự suốt 1,5km dưới làn đạn pháo bắn cấp tập, mù trời của địch. Đến nơi, tôi cùng đồng đội nhanh chóng củng cố hệ thống thông tin, tổ chức lực lượng, tăng cường chi viện. Rạng sáng ngày 20/3 mũi đầu tiên của Đặc công 200c, tiếp theo là Tiểu đoàn 840 mở cửa xung phong tiêu diệt, làm chủ Chi khu Võ Đắc. Thừa thắng, các lực lượng ta phát triển, tiêu diệt các lực lượng của địch, giải phóng các xã lân cận. Đến chiều 22/3/1975, toàn huyện Hoài Đức không còn bóng địch”. ông chia sẻ.

Cũng theo Đại tá Trường, trong khí thế chiến trường miền Nam đang rất sôi động, nhận lệnh của Quân khu, Đại tá để lại Tiểu đoàn 15, tiếp quản và truy quét tàn quân. Ngày 25/3 Trung đoàn tiến theo Quốc lộ 20 lên giải phóng Di Linh, Bảo Lộc, Đà Lạt. Theo đà tiến công, đến chiều ngày 6/4/1975 Trung đoàn quay về đến Hàm Thuận, phối hợp với các lực lượng để đêm ngày 7/4 cùng với Tiểu đoàn Đặc công 200c, Tiểu đoàn bộ binh 482 tỉnh Bình Thuận và Đại đội 3 huyện Hàm Thuận tiến công giải phóng Ma Lâm - Thiện Giáo, tạo đà và thời cơ áp sát, tiến đến giải phóng thị xã Phan Thiết (nay là thành phố Phan Thiết).

Khói lửa chiến tranh cũng dường như chưa bao giờ thôi ám ảnh bà Phạm Thị Mai còn gọi là Tám Tiệm (xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc), người anh hùng 3 lần bị địch cưa chân của vùng “Tam giác sắt”. Bà Mai cho biết mỗi dịp tháng 4 đến, bà lại càng trân trọng quá khứ hơn. Bởi với bà, có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước bị chia cắt mới thấy hết ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4.

Bà Mai nhớ lại, giai đoạn năm 1967, lúc đó bà là chính trị viên xã đội Hàm Liêm, chỉ huy du kích mật tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Tháng 3/1968, Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 23 của địch điều từ Buôn Mê Thuột xuống mở chiến dịch càn quét vùng “Tam giác sắt”. Đội du kích mật được lệnh rút vào căn cứ chỉ để lại 5 người, trong đó có bà nằm hầm bí mật bám trụ chiến đấu trong ấp chiến lược Tân An. Bọn địch phát hiện, chúng hò nhau xông đến tung lựu đạn vào miệng hầm, làm 4 đồng chí hy sinh nhưng bà vẫn gan dạ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Bà bị thương nặng ở hai chân và đã bị địch bắt. Bọn địch dùng mọi cực hình tra tấn làm bà chết đi, sống lại vẫn không khai thác được gì. Dã man hơn chúng đã cưa chân bà ngang nửa đùi.

Nhắc về quá khứ, tim bà nhói ran nhưng cũng rất đỗi tự hào và hạnh phúc vì giờ đây được sống trong hòa bình. Bà Mai rất vui vì Bình Thuận đã phát triển mạnh mẽ, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng quê hương.

Trải qua những năm tháng chiến đấu oanh liệt, niềm vui của ngày giải phóng thật khó để diễn tả hết đối với những người lính năm xưa. Những năm tháng vất vả nếm mật nằm gai, bom dày đạn xéo bỗng chốc tan biến thay vào đó niềm tự hào cùng những giọt nước mắt hạnh phúc.

Vững vàng đi lên

z4291641888245_22e61f765a10dfce2c8d49dfe8adf300-2-.jpg
Bình Thuận hôm nay trên con đường phát triển

Hôm nay, trên con đường xây dựng quê hương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã nêu cao bản lĩnh, khí phách anh hùng của vùng đất, con người Bình Thuận, đạt được thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển khá nhanh, tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn so với mức bình quân của cả nước (tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm tăng 9,07%), tạo chuyển biến rõ nét trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế; giá trị GRDP năm 2022 gấp 24,24 lần năm 1992 (đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng thứ 6/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ). Thu ngân sách nội địa của tỉnh từ 140 tỷ đồng (năm 1992) tăng lên 9.930,76 tỷ đồng năm 2021, tăng gấp 70 lần và đứng thứ 8/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyện hải Nam Trung bộ.

Bộ mặt đô thị và nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc; nhiều khu dân cư hiện đại, khang trang mở ra cả ở thành thị và nông thôn. Các khu du lịch, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho ngành y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, cơ sở phục vụ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, hệ thống hạ tầng bưu chính viễn thông, hệ thống điện, nước v.v... được đầu tư ngày càng nhiều và hiện đại.
Toàn tỉnh đã có 14 đô thị, có 69/93 xã đạt chuẩn nông thôn và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Các vùng trong tỉnh ngày càng thêm sắc thái mới và tất cả đã góp phần làm cho bộ mặt của tỉnh nhà ngày càng khang trang hơn. Các công trình thủy lợi đem lại hiệu quả cao... Bên cạnh đó, Chương trình Xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực đạt kết quả bước đầu. Vùng đồng bào dân tộc ít người so với trước đã có sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng đạt kết quả khá toàn diện và đi vào chiều sâu; hệ thống chính trị ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; ý thức tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục nâng lên. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, khối đoàn kết toàn dân được tăng cường; dân chủ, kỷ cương được phát huy tốt hơn; các phong trào thi đua yêu nước được duy trì thường xuyên, xuất hiện nhiều tấm gương, mô hình điển hình năng động, sáng tạo… góp phần tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy tình hình các mặt của tỉnh phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

z4304000674492_e1baf34b5f327aa0cbbdd595090c1b9c.jpg
Cờ tung bay ở các địa phương trong những ngày mừng đất nước thống nhất

Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đạt được trong thời gian qua đã thể hiện rõ sự kế thừa, phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Từ những thành quả trên đó, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, huy động sức mạnh nhân dân vào hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện.

“Sau hơn 30 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã nêu cao truyền thống yêu nước, đoàn kết, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, biến “cái khô, cái khó, cái khổ” thành những cơ hội để phát triển. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, Bình Thuận đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đang trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tác giả trích dẫn

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tháng tư về thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Từ Bình Thuận, chúng tôi vượt khoảng gần 1.000 km để đến với Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Quảng Trị những ngày cuối tháng tư đầy nắng. Nghĩa trang Trường Sơn dần hiện ra trên khu đồi Bến Tắt bát ngát thông reo. Dấy lên trong đáy lòng của mỗi chúng tôi, thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên khi nước nhà đã độc lập, tự do một cảm xúc khó tả, bi ai mà hùng tráng và xót xa nhưng cũng rất đỗi tự hào.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ hào khí 30/4 đến sự phát triển quê hương hôm nay