BTO- Hàm Tiến – Mũi Né là điểm du lịch nổi tiếng của Bình Thuận, hàng năm có hàng trăm nghìn lượt du khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng; trong đó khách Nga luôn chiếm ưu thế. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân địa phương cũng bắt đầu trang bị ngoại ngữ cho mình.
Dọc theo đường Nguyễn Đình Chiểu, khu phố 1, Hàm Tiến không khó để bắt gặp các cửa hàng lưu niệm, quán bar, nhà hàng ăn uống, shop thời trang với bảng hiệu, thực đơn vừa tiếng Việt, vừa tiếng Nga. Thường là từ tháng 9 đến đầu tháng 3 năm sau là mùa cao điểm của du lịch, người Nga đổ về khu vực này “tránh đông”. Người dân tại đây một đời với biển đã tự “bắt nhịp” với công việc mới, họ bắt đầu trao dồi ngoại ngữ như tiếng Nga, tiếng Anh để buôn bán, giao tiếp hằng ngày với khách.
Nhiều người cho biết: Thời gian đầu giao tiếp bằng tiếng Nga rất khó khăn, họ chỉ thông qua thực đơn dịch sẵn tiếng Nga với chi tiết giá cả, tên hàng để phục vụ việc mua bán. Nhưng với việc khách du lịch Nga đến đây ngày càng phổ biến, người dân cũng tự trang bị cho mình bằng cách học thêm ngoại ngữ để giao tiếp hằng ngày.
Một trong những quầy hàng trái cây phục vụ khách du lịch tại Hàm Tiến
Qua ghi nhận, rất nhiều người dân bán hàng ở đây đều học tiếng “bồi” để giao tiếp, từ người bán hàng rong, đến các chủ shop, quán ăn, nhà hàng… Có mặt tại quầy hàng trái cây chị Kim Anh, khá bất ngờ với những câu giao tiếp rất “sõi” bằng tiếng Nga của chị. Với kinh nghiệm nhiều năm bán hàng và sẵn tính ham học hỏi, hiện giờ chị rất tự tin giao tiếp bằng tiếng Nga với du khách. Không những phục vụ việc mua bán, chị còn giúp đỡ nhiều khách du lịch lần đầu đến với Mũi Né như chỉ đường, hướng dẫn tham quan, tư vấn ăn uống, điểm vui chơi. Chị chia sẻ: “thời gian đầu không nói được tiếng, nên không hiểu họ nói gì, nhưng trong quá trình bán và trao đổi, chị học lỏm theo khách. “Giờ thì nói tiếng Nga vô tư, một ngày bán trái cây thu nhập cũng được 300.000 đến 400.000 đồng”, chị Anh tự tin cho biết thêm.
Chị Thu Thảo, một chủ shop bán hàng lưu niệm tại Hàm Tiến cũng khá thành thạo tiếng Nga mỗi khi mời chào, trao đổi với khách Nga đến mua. Được biết, thời gian đầu chị bấm sẵn giá tiền vào máy tính hoặc dùng thực đơn dịch sẵn tiếng Nga và tiếng Việt. Nhận thấy tiềm năng du lịch tại đây phát triển, chị tự học tiếng bồi theo các chị, em bán xung quanh. Qua nhiều năm tiếp xúc với du khách, vốn tiếng Nga của chị được cải thiện rất nhiều. Giờ không cần phiên dịch, không cần ngôn ngữ hình thể chị vẫn nói chuyện vô tư với khách nước ngoài, đặc biệt là khách Nga và một số khách sử dụng tiếng Anh.
Với số lượng khách quốc tế đến với Hàm Tiến ngày càng nhiều, tiềm năng du lịch rất lớn, không chỉ nhân viên làm việc tại các resort, khách sạn cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhiều lao động phổ thông ở địa phương cũng tự trang bị ngoại ngữ cho mình để chuyển sang làm du lịch một cách chuyên nghiệp hơn. Không chỉ kiếm sống từ vùng đất trời phú, người dân Hàm Tiến đang lưu giữ hình ảnh của mình với khách du lịch bằng chính những nét văn hóa, phong tục riêng của địa phương mình.
Bài: Thanh Thùy. Ảnh: Ng.Lân