Ảnh: Đ.Hòa |
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, quy luật phát triển của Đảng, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đây là việc làm cấp bách, có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định. Có thể nhận thấy, chưa bao giờ vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên lại nóng bỏng như hiện nay. Kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) đến nay, Đảng ta đã phát hiện và thi hành kỷ luật không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều người thuộc diện Trung ương quản lý. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng nhằm làm trong sạch bộ máy, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình hoạt động và phát triển của Đảng đã đạt nhiều kết quả tốt trong công tác phê bình và tự phê bình. Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc tự phê bình và phê bình đã đạt được nhiều kết quả thực chất. Về nội hàm chất lượng của các tổ chức Đảng nói chung và cơ sở đảng nói riêng có bước phát triển và nâng lên về chất lượng. Nhiều tổ chức cơ sở đảng và đảng viên chuyển biến rõ nét. Phải khẳng định rằng, sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ban Đảng, các cấp ủy và cơ quan liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo đó, gắn với tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, căn cứ kế hoạch và các biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém đã đề ra, các cấp ủy tăng cường công tác nghiên cứu, cung cấp thông tin, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, tác phong làm việc, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công việc, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt và công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém đã được kết luận sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung khắc phục với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó, ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc tự phê bình và phê bình ở không ít tổ chức cơ sở đảng, đảng viên còn nặng tính hình thức, người đứng đầu một số cấp ủy đảng thiếu quyết tâm, đảng viên có tư tưởng né tránh. Phê bình và tự phê bình chưa gắn kết với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ một cách thực chất. Việc tự phê bình và phê bình chưa gắn kết nguyên tắc đảng với các khâu của công tác cán bộ.
Để việc phê bình và tự phê bình theo đúng thực chất, đòi hỏi việc phê bình và tự phê bình phải có mục đích tốt đẹp và động cơ trong sáng. Phê bình là làm sáng tỏ vấn đề, giúp nhau phát huy mặt mạnh, mặt tích cực, chỉ rõ hạn chế, yếu kém, tiêu cực của đảng viên để giúp nhau cùng phát triển. Làm cho mặt tốt, mặt tích cực lấn át mặt hạn chế, mặt tiêu cực, nghĩa là nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, làm cho cái tốt trở thành chủ đạo và lan tỏa trong đời sống xã hội. Làm được như vậy tổ chức cơ sở đảng, đảng viên sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn, tính thống nhất cao. Sẽ là điểm tựa vững chắc cho niềm tin phát triển, đồng thời thu hẹp “mảnh đất” của những đảng viên theo “chủ nghĩa cơ hội”. Bên cạnh đó, việc phê bình và tự phê bình phải được tổ chức trên tinh thần xây dựng, đoàn kết, bảo đảm sự thống nhất, chỉ rõ những mặt hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của tư tưởng, đạo đức, lối sống; các biểu hiện sai trái bên ngoài của đảng viên đó như tác phong, cử chỉ, thái độ chưa đúng. Phê bình và tự phê bình phải khách quan, trung thực, thẳng thắn, chân thành, phải thấu tình, đạt lý, có như vậy đảng viên được phê bình và người phê bình có thể rút ra được nhiều điều bổ ích trong quá trình công tác, và sai phạm phải được xử lý nghiêm minh, không né tránh, đùn đẩy, mới nâng cao hiệu quả của phê bình và tự phê bình.
THANH QUANG