Bức tranh kinh tế - xã hội khởi sắc
Năm 2024 khép lại, huyện Tuy Phong đã đạt nhiều kết quả, với 8/9 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước đạt 355 tỷ đồng, vượt gần 3% dự toán năm. Sản lượng nông nghiệp ước đạt 35.726 tấn, tăng 1,83% so với năm 2023, trong đó các cây trồng chủ lực như thanh long và táo đều tăng cả về diện tích lẫn năng suất. Ngành thủy sản cũng có những khởi sắc, với sản lượng đạt 60.000 tấn, tăng 4,44% so với cùng kỳ. Ngành du lịch ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, nổi bật với việc phát triển các tuyến du lịch mới như Tà Năng – Phan Dũng, Hòn Cau, thu hút lượng lớn khách tham quan. Huyện cũng thành lập Đoàn khảo sát Khu Bảo tồn biển Hòn Cau để thực hiện Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng theo Quyết định số 3106/QĐ-UBND ngày 4/12/2019 của UBND tỉnh…
Ngành văn hóa, du lịch với nhiều dấu ấn ấn tượng
Kết quả trên đạt được nhờ sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện Tuy Phong, sự quyết tâm thực hiện kế hoạch của các cấp ngành trong huyện cùng với nhiều biện pháp, chủ trương, đặc biệt là vai trò của sự tăng cường và đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó tập trung phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ông Dương Hồng Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024, Tuy Phong đã kịp thời triển khai công tác này trong toàn huyện. Huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và tổ công tác giúp việc, phân công cán bộ chuyên trách đảm bảo an toàn thông tin và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Các cơ quan, đơn vị thuộc huyện đều có phân công công chức phụ trách nhiệm vụ chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị mình.
Thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số
Một trong những điểm sáng, Tuy Phong thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền số cấp xã để từ đó nhân ra diện rộng 11 xã, thị trấn toàn huyện. Mỗi địa phương đầu tư bảo đảm hạ tầng số máy móc, thiết bị, đường truyền và Chính quyền số (bao gồm nhân lực đã qua đào tạo, huấn luyện có thể thực hiện chuyển đổi số). Nhờ vậy, hạ tầng số, các nền tảng số được phát triển, triển khai ứng dụng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Các cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến xã, thị trấn triển khai hiệu quả phần mềm một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Giải quyết TTHC nhanh chóng người dân và doanh nghiệp
Công trình số hóa di tích lịch sử của thanh niên huyện.
Để đạt những kết quả tốt về kinh tế số như mục tiêu đề ra từ đầu năm, huyện triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang Thông tin điện tử huyện về công tác triển khai chuyển đổi số. Phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông của tỉnh đóng tại huyện tổ chức, hướng dẫn hỗ trợ các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội qua tài khoản không dùng tiền mặt đến các đối tượng chính sách. Ngành thuế áp dụng triệt để công nghệ số, từ kê khai, nộp thuế đến truyền tải thông tin chính sách đều qua nền tảng điện tử. Điều này không chỉ giảm thời gian, chi phí mà còn tạo sự minh bạch, thuận tiện cho người nộp thuế...
Hỗ trợ người dân thanh toán không tiền mặt.
Các nhiệm vụ chuyển đổi số của huyện đã được cụ thể hóa và triển khai kịp thời, hiệu quả. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, các phần mềm quản lý và điều hành giúp nâng cao chất lượng công việc. 100% văn bản (trừ văn bản mật) được ký số, phát hành qua môi trường mạng, giảm thiểu thời gian và chi phí. Phần mềm Một cửa điện tử hoạt động hiệu quả, cải thiện rõ rệt chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp...”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong Dương Hồng Sơn đánh giá
Để hiện thực hóa xã hội số, huyện yêu cầu các địa phương, các ngành đẩy mạnh công tác thu thập, cập nhật thông tin dân cư, thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử và tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT); hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản ĐDĐT, đảm bảo 100% công dân cư trú trên địa bàn trong độ tuổi đủ điều kiện được cấp CCCD gắn chip và tài khoản ĐDĐT. Tính đến ngày 20/11/2024, toàn huyện đã thu nhận hơn 140.354 hồ sơ cấp CCCD, đã truyền dữ liệu về Trung ương đạt 100% kế hoạch. Có 73.018 tài khoản DDĐT tử mức 2 đã được kích hoạt, tích hợp các giấy tờ quan trọng như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế… Các tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập, đóng vai trò cầu nối trong việc phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, hệ thống họp trực tuyến và truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được mở rộng đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt mô hình “Chính quyền số”. Nhờ sự quyết tâm và những bước đi vững chắc, Tuy Phong không chỉ thay đổi phong cách làm việc mà còn thúc đẩy hiệu quả quản lý và tạo dựng môi trường sống văn minh, hiện đại.
Với nền tảng chuyển đổi số, Tuy Phong hy vọng, năm 2025 sẽ tạo nên năng lượng mới trong phát triển, ngày một giàu đẹp- văn minh.