Theo dõi trên

Ứng xử văn hóa nơi học đường

18/11/2022, 05:43

Trước ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi và anh bạn cùng ngồi nói chuyện về giáo dục, nghề giáo, văn hóa ứng xử nơi học đường.

Rồi anh kể câu chuyện về con gái anh bị một bạn trong lớp bắt nạt. Biết chuyện anh đến gặp ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm nắm lại tình hình, nhắc nhở em học sinh bắt nạt con anh, từ đó con gái anh đi học không bị bạn bắt nạt nữa, nghe đâu bạn học sinh kia từ đó cũng thay đổi tính nết, ngoan ngoãn, chăm học trở lại.

20_ky_nang_cua_giao_vien_va_hoc_sinh.jpg

Ứng xử của anh bạn tôi hết sức văn hóa, mà lại hiệu quả; chẳng như thời gian qua, nhiều phụ huynh không biết “đầu cua, tai nheo” liên quan đến con mình là cứ đến trường la lối om sòm, rồi dùng điện thoại quay clip phát tán lên mạng xã hội. Có phụ huynh mặt mày sát khí, lăm lăm con dao xông vào trường, bắt hiệu trưởng phải xin lỗi vì dám nêu tên con mình trên loa do chưa đóng tiền mua bảo hiểm y tế… Những hành vi như vậy là phản văn hóa nơi học đường.

Trường học không phải là nơi dành cho bạo lực, mà là nơi dạy chữ, dạy người, là nơi tôn nghiêm, văn hóa của văn hóa, nơi con em của chúng ta được chắp cánh ước mơ tốt đẹp nhất của con người. Chúng ta là phụ huynh của học sinh, chúng ta cho con em mình đến trường để được học tập, vậy tại sao lại hành xử thiếu văn hóa, coi thường thầy, cô giáo. Người lớn coi thường, phụ huynh coi thường thì học sinh sẽ nghĩ gì về những thầy, cô giáo hằng ngày dạy mình?. Nên đã xảy ra những vụ việc học sinh đe dọa, hành hung cả thầy, cô giáo.

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, “không thầy đố mày làm nên”, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, rồi “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… để răn dạy mọi người trước sau như một ghi lòng tạc dạ công ơn những thầy, cô giáo đã dạy dỗ mình nên người, bởi có ai nên người mà không phải từ những điều đã được dạy, được học.

Hiện nay, các thầy, cô giáo đối mặt với nhiều áp lực từ các loại giấy tờ, sổ sách, giáo án, họp hành, tập huấn, thành tích, các cuộc thi; rồi áp lực của chương trình giáo dục mới, áp lực “cơm áo gạo tiền”; lại còn phải chịu thêm áp lực của phụ huynh và giá trị xã hội đè nặng. Nên chăng toàn bộ xã hội, truyền thông, các bậc phụ huynh cần nhìn nhận, đánh giá và dành cho giáo viên sự tôn trọng nghề nghiệp nhất định, cùng chung tay xây dựng văn hóa học đường. Ghi nhận, trân quý thầy, cô giáo dạy dỗ con em mình cũng là cách để họ có động lực cống hiến. Nhà nước cũng cần phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ đội ngũ thầy, cô giáo phù hợp, để họ tận tâm, tận lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Bên cạnh đó, các thầy giáo, cô giáo cũng cần nhận thức đúng những thách thức nghề nghiệp, có kỹ năng ứng phó, vượt qua được những áp lực, mẫu mực ứng xử trong mọi mối quan hệ để trường học thực sự là nơi văn hóa của văn hóa.

MAI THANH VĂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Những ngày này, tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, bổ ích chào mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022) nhằm thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”, tạo nên những sân chơi lành mạnh, bổ ích, vui tươi cho giáo viên và học sinh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng xử văn hóa nơi học đường