Thông thường, mỗi tác giả in một đầu sách vài ba trăm quyển, chỉ vài tác giả là giáo viên được học sinh yêu mến nên có thể in với số lượng lớn hơn. Vì không được phát hành bởi các công ty, nhà sách như Fahasa, Phương Nam… nên tác giả chỉ in vài ba trăm quyển sách để tặng người thân, bạn hữu làm món quà kỷ niệm thanh cao; đánh dấu một bước đường sáng tác văn học của cá nhân; làm chứng nhân ghi nhận một thời khắc lịch sử, những diễn biến xã hội của một thời kỳ… Thật quý hóa những trang sách của các văn nghệ sĩ tỉnh nhà mà về sau, hậu thế sẽ tìm thấy ở đó những tâm tư, tình cảm của các tầng lớp người dân cũng như phần nào diện mạo xã hội của một vùng đất trong một giai đoạn.
Vì tự phát hành là chính nên những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ địa phương thường không được phổ biến rộng rãi, chủ yếu có trên kệ trong một số tủ sách gia đình thân hữu với tác giả. Nhằm mục đích đưa sách đến với người đọc, các văn nghệ sĩ sinh hoạt ở Chi hội Văn học nghệ thuật Tuy Phong đã tìm về trường học, trước mắt là các trường THCS và THPT trong huyện. Đợt đầu tiên này, chi hội đã tặng cho thư viện các trường học và thư viện huyện Tuy Phong một số tác phẩm của các tác giả đang sinh sống trong và ngoài huyện như: tập thơ Ấm áp cuộc rong chơi (nhiều tác giả ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, TP. Phan Thiết…), Tuyển tập truyện ngắn Trương Trọng Quang của nhà văn quá cố Trương Trọng Quang, tập thơ Gió còn thổi bên hiên (Trần Yên Thế), tập thơ Quê (Thái Thị Ngân Khang), tập thơ Lời biển ru tình (Phạm Bình), tập thơ Dọc miền trầm tích gió (Nguyễn Duy Sinh), truyện dài Đi qua dĩ vãng (Nguyễn Phương), tập truyện ngắn Những ngày trở gió và tập truyện thiếu nhi Biển ngọt ngào (Hồ Việt Khuê), tập Truyện cổ Chăm (Kinh Duy Trịnh), tập biên khảo Đất xưa Bình Thuận (Phan Chính)…
Tổng cộng Chi hội Văn học nghệ thuật Tuy Phong tặng cho 18 thư viện trường học, thư viện huyện và Phòng Giáo dục, mỗi đơn vị 12 tác phẩm với 20 bản sách, tổng giá trị hơn 25 triệu đồng.
Trong chương trình học ở cấp THCS có tiết học ngữ văn địa phương. Những tác phẩm văn chương, biên khảo của tác giả địa phương có ở kệ sách thư viện nhà trường, hy vọng sẽ giúp ích cho thầy cô và các em hiểu thêm về con người và bản sắc văn hóa của một vùng đất.
Hồ Việt Khuê