Theo dõi trên

Về Vĩnh Hanh ăn Tết Ramưwan

22/06/2015, 09:18 - Lượt đọc: 7,824

BT- Trưa 18/6/2015, cả thôn Vĩnh Hanh, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong đâu đâu cũng rộn ràng. Người lớn, trẻ nhỏ trong bộ quần áo mới. Đường làng, ngõ xóm nhộn nhịp hẳn lên. Tại nhà ông Mai Sên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh trưa hôm ấy quan khách đến chúc mừng lễ Ramưwan khá đông.

Mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên ngày tết Ramưwan.

Để tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào Chăm Bà-ni trong ngày tết Ramưwan, chúng tôi vào nhà trong xem mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên. Bà Nguyễn Thị Thọ - vợ ông Mai Sên cho biết: “Người Chăm Bà-ni cúng ông bà, tổ tiên không lập bàn thờ, các món đơm cúng được bày biện trên kệ ván, các món ăn đơm cúng tùy theo điều kiện hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, nhưng tuyệt đối không có thịt heo. Các món ngọt thì không thể thiếu bánh quế, bánh bông lan, bánh gừng. Các loại bánh này điều do gia đình tự làm mấy ngày trước. Ngoài ra, trên mâm cỗ cúng ông bà còn có các loại trái cây, trong đó có chuối sáp xanh được úp lại…”. Ông Mai Sên giải thích thêm với chúng tôi: “Ramưwan năm nay đến sớm hơn các năm trước. Ngày 15/6/2015 bà con người Chăm Bà-ni gồng gánh đi tảo mộ ở nghĩa trang xa. Ngày hôm sau tảo mộ gần và làm các lễ cúng khác nhau. Ngày 18/6 là ngày cuối cùng để tối hôm đó các gia đình tiễn thầy Chan vào chùa. Do vậy, trưa 18/6 gia đình nào cũng mở tiệc ăn mừng ngày tết để tiễn đưa các thầy vào chùa, các gia đình, dòng tộc thăm hỏi, chúc nhau sức khỏe, làm ăn phát đạt; các vị chức sắc Chăm Bà-ni (thầy Chan) vào chùa suốt một tháng ròng và chay tịnh trong chùa. Ở đó các vị chức sắc đọc kinh, bàn về lịch pháp, các sự việc liên quan đến tín ngưỡng dân tộc Chăm Bà-ni và những vấn đề bổn đạo. Tại Vĩnh Hanh chỉ có một chùa và khoảng 30 vị chức sắc trong thôn vào chùa…”.

Sau khi ăn tết tại nhà ông Mai Sên, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Lưu Thị Bệ, nguyên là cán bộ phụ nữ lâu năm ở thôn Vĩnh Hanh. Bà Bệ mời chúng tôi ăn tết với các món ăn bồ câu nướng, gà luộc, vịt kho. Bà Bệ tâm sự: “Người dân thôn Vĩnh Hanh còn nghèo lắm, nhưng ngày tết nhà nào cũng có con gà, con vịt để đãi khách. Sau khi các thầy Chan vào chùa, người dân tiếp tục lao động sản xuất bình thường”. Tại nhà bà Bệ chúng tôi gặp và trò chuyện với chị Qua Thị Hồng Loan, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Lạc. Nhân dịp tết Chăm Bà-ni, chị Loan cùng một số người Chăm Bà-la-môn ở thôn Lạc Trị sang Vĩnh Hanh chúc tết, hát karaoke gia đình. Chị Loan cho hay: “Người Chăm thôn Vĩnh Hanh và Lạc Trị (xã Phú Lạc, Tuy Phong) là 2 đạo khác nhau, nhưng ngày tết của đạo này thì người Chăm đạo kia đến thăm chúc mừng và vui tết. Do vậy các thôn luôn đoàn kết và cùng nhau thực hiện tốt các phong trào ở địa phương. Trong đó nổi bật là công tác khuyến học, khuyến tài. Tuy các thôn Chăm người dân còn nghèo nhưng hàng năm đã đóng góp kinh phí để hỗ trợ con em học hành thành đạt. Nếu tính từ sau ngày giải phóng quê hương đến nay, các tôn giáo Chăm ở xã Phú Lạc đã có 245 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, trong đó có 16 bác sĩ, 12 kỹ sư, 205 người tốt nghiệp trung cấp nghề. Hiện nay có 247 sinh viên đang theo học các trường cao đẳng và đại học, 149 em đang học trung cấp nghề”.

Có dịp vui tết với đồng bào Chăm Bà-ni ở vùng đất Vĩnh Hanh, chúng tôi được hiểu thêm nhiều phong tục tập quán mang bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm và hiểu thêm truyền thống hiếu học của đồng bào Chăm nơi đây.

LÊ THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về Vĩnh Hanh ăn Tết Ramưwan