Theo dõi trên

Vì một xã hội “an toàn trước thiên tai”

28/08/2018, 09:06

BT - Do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn biến hết sức khó lường, là một trong những mối lo lớn của nhân loại. Ở nước ta, thiên tai diễn ra hết sức nghiêm trọng có yếu tố cực đoan, bất thường, khó dự báo.

Chỉ tính trong 20 năm vừa qua, thiên tai lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề cho đất nước về người và tài sản. Trung bình mỗi năm, thiên tai làm 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1,15% GDP. Đáng chú ý, thiên tai có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật, ngày càng nghiêm trọng hơn cả về cường độ và tần suất. Thiên tai xảy ra ở những vùng miền trước đây thường ít xảy ra là điều bất thường, khó lý giải.

Thống kê cho thấy năm 2017 số lượng bão đạt kỷ lục với 16 cơn bão và 4 đợt áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Thiệt hại của bão số 10 làm 5 người chết, 3.200 nhà bị sập đổ, gần 200.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái; bão số 12 làm 123 người chết và mất tích, 3.350 nhà bị sập đổ, 300.000 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng bè nuôi thủy sản bị mất trắng, gây thiệt hại về kinh tế lên đến gần 22,7 ngàn tỷ đồng. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung – là những nơi tập trung dân cư đông, có nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh.

         

Riêng với Bình Thuận những năm gần đây, đặc biệt trong mùa mưa lũ 2018 diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, không theo quy luật, nhất là triều cường, lũ bão với cường độ ngày càng gia tăng. Tại huyện Tuy Phong đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ biển rất nghiêm trọng tại thị trấn Liên Hương, với chiều dài hơn 1.000 m, biển xâm thực vào đất liền từ 30 - 80 m làm sập hoàn toàn 29 căn nhà, đe dọa hàng trăm căn nhà khác của các hộ dân đang sinh sống, còn tại xã Hòa Phú do ảnh hưởng của triều cường cũng làm sạt lở tuyến đường tỉnh lộ với chiều dài khoảng 800 m.

Thành phố Phan Thiết cũng ở tình trạng tương tự khi sạt lở xảy ra ở khu phố 2 và 3, phường Hàm Tiến; khu phố 5, phường Đức Long và xã Tiến Thành. Đây là các địa điểm mà bờ biển thường xuyên bị xâm thực, bởi các đợt triều cường từ nhiều năm trước đến nay để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Tại thị xã La Gi, trên tuyến bờ biển phường Phước Lộc, xã Tân Phước bị sạt lở hơn 1.200 m, biển xâm thực vào đầt liền từ 80 – 150 m, làm 10 căn nhà bị sập hoàn toàn,100 căn nhà có nguy cơ bị hư hỏng do triều cường, sóng biển tàn phá, cần phải di dời.

Trước sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu đã và đang diễn ra, hành động mà Chính phủ đề ra, ứng phó là xây dựng một xã hội “an toàn trước thiên tai”. Trong đó, quán triệt phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước. Phòng chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro, lấy phòng ngừa là chính và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Các nội dung phòng chống thiên tai cần phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các ngành; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đầu tư vào lĩnh vực phòng chống thiên tai theo hình thức đối tác công – tư bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Trong  đầu tư xây dựng công trình phòng chống thiên tai cần kết hợp đa mục tiêu về bộ máy, năng lực, chính sách, truyền thông để trước là bảo vệ an toàn tính mạng con người, sau là tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Về lâu dài, phòng chống thiên tai cần được các cấp chính quyền nâng cao nhận thức trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai. Nâng cao năng lực ứng phó với  lũ lớn, bão, áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên sông, biển và đất liền. Và một nhiệm vụ nữa là đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong chỉ đạo ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Việc này cần thể hiện qua hàng năm cần kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng theo từng phương án hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Đồng thời người dân cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trong hợp tác với chính quyền trước những yêu cầu về phòng chống thiên tai.

 Như Nguyễn  



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì một xã hội “an toàn trước thiên tai”