Theo dõi trên

Việt Nam cải thiện chỉ số phát triển con người

20/10/2022, 05:12

Mới đây tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tổ chức lễ công bố Báo cáo phát triển con người năm 2021 - 2022.

Chỉ số con người (HDI) giúp đánh giá thành tựu phát triển được toàn diện hơn và đưa con người vào trọng tâm của các chính sách. Chủ đề của báo cáo năm nay phản ánh nhiều cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt và nỗ lực chung nhằm giảm thiểu tác động đối với sự phát triển của con người.

Quá trình phục hồi sau dịch Covid-19 đã bắt đầu, nhưng ảnh hưởng của đại dịch vẫn đang được “cảm nhận” ở tất cả các khu vực. Báo cáo nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch Covid-19 gây ra, đồng thời cho biết, Chỉ số phát triển con người đã giảm trên toàn cầu 2 năm liên tiếp lần đầu tiên trong lịch sử 32 năm của chỉ số này. Phát triển con người đã giảm trở lại mức năm 2016, làm đảo ngược nhiều tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Theo Giám đốc UNDP Achim Steiner, chỉ số này giảm đồng nghĩa rằng loài người giảm tuổi thọ, chất lượng giáo dục giảm. Yếu tố giảm mạnh nhất dẫn tới HDI 2021 tiếp tục giảm là tuổi thọ người dân toàn cầu, từ mức 73 tuổi trong năm 2019 xuống còn 71,4 tuổi trong năm 2021. Ông Steiner đánh giá triển vọng trong năm 2022 không mấy sáng sủa khi những ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine chưa được tính đến trong chỉ số HDI 2021.

Theo Báo cáo Phát triển con người 2021/2022, tình trạng bất định do nhiều nguyên nhân này dẫn đến cuộc sống của người dân trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi một số quốc gia đang bắt đầu đứng vững trở lại, sự phục hồi không đồng đều và từng phần, làm gia tăng thêm bất bình đẳng trong phát triển con người. Châu Mỹ Latinh, Caribe, châu Phi - cận Sahara và Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề. Giám đốc UNDP cho rằng thế giới đã hứng chịu nhiều thảm họa, chứng kiến nhiều cuộc xung đột trước đây nhưng những gì đang xảy ra là một bước thụt lùi đáng kể về phát triển con người. Báo cáo nhấn mạnh đây chính xác là một bước thụt lùi toàn cầu, ảnh hưởng tới hơn 90% quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm đầu tư cho năng lượng tái tạo, chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai, trang bị các công cụ bảo hiểm để giảm thiểu thiệt hại từ các cú sốc, thúc đẩy sáng tạo để củng cố năng lực ứng phó khủng hoảng trong tương lai.

Đối với Việt Nam, Giám đốc UNDP đánh giá cao những nỗ lực của chúng ta đã đạt được trong phát triển con người trong thời gian qua và những đóng góp của Việt Nam trong xử lý các thách thức toàn cầu được phản ánh trong báo cáo. Theo đó, bất chấp các khó khăn phải đối mặt trong 2 năm qua, Việt Nam đã tăng 2 bậc trong xếp hạng chỉ số HDI (từ vị trí 117 lên vị trí 115), và tiếp tục nằm trong số các nước có chỉ số HDI cao cùng với một số nước như Trung Quốc, Nam Phi, Indonesia và Brazil. Điều này cho thấy sự tiến bộ và ổn định của Chỉ số con người tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chỉ số bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam, đo lường sự sụt giảm phát triển con người do bất bình đẳng giữa nam và nữ, tiếp tục được cải thiện vào năm 2021. GII của Việt Nam là 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia.

Đánh giá của UNDP cho thấy sự nỗ lực, hiệu quả trong các quyết sách của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người và cuộc sống cho người dân. Đây là một cơ sở quan trọng để Việt Nam tiếp tục ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Từ báo cáo Chỉ số Phát triển con người của UNDP cho thấy Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo và bảo đảm quyền con người, chăm lo sức khỏe, đời sống nhân dân. Đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với bảo đảm quyền con người, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn luận. Những hành động, việc làm tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam từ đó lan tỏa đến các tổ chức, bạn bè quốc tế, mà bằng chứng rõ nhất là việc Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025.

Điều này cũng chứng minh rằng các báo cáo của một vài quốc gia vô cớ cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền là bịa đặt, vô căn cứ.

NHƯ NGUYỄN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam
BTO-Sáng 15/10, nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam, với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu toàn quốc.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam cải thiện chỉ số phát triển con người