Theo dõi trên

Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát lạm phát

21/07/2022, 05:08

Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022 vừa được Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 14/7 vừa qua.

Tại Hội nghị này, đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu ra một số vấn đề về lạm phát trên toàn cầu hiện nay. Đây là vấn đề lo ngại không chỉ các nước châu Âu mà còn là các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

2 năm gần đây, những hậu quả của đại dịch Covid-19 cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine là những nguyên nhân trực tiếp đẩy thế giới bước vào thời kỳ lạm phát kinh tế toàn cầu. Năm 2021, nền kinh tế thế giới dần phục hồi ở mức tăng trưởng 5,9% nhờ các động lực chính như: Dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát, hiệu quả của các gói kích thích kinh tế lớn của các quốc gia phát huy tác dụng và nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại. Tuy nhiên, chính những động lực phát triển này cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạm phát cao tại các quốc gia. Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế thế giới năm 2021 ở mức 4,3%, cao vượt trội so với con số xấp xỉ 3,2% của tỷ lệ lạm phát trung bình trong cả thời kỳ 2015 - 2020. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ sự phục hồi không đồng đều của các nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn tới việc thu hẹp sản xuất khiến giá cả hàng hóa đầu vào tăng nhanh, đặc biệt là giá năng lượng và chi phí vận tải.

Bước sang năm 2022, tình trạng lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đạt mức trung bình khoảng 3,9% ở các nền kinh tế phát triển và khoảng 5,9% ở các thị trường mới nổi, các nước đang phát triển. Tình trạng này được dự báo không kéo dài và sẽ suy giảm vào năm 2023 khi các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 được giảm thiểu. Tuy nhiên, sự kiện Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã tác động đáng kể tới triển vọng kinh tế và tình trạng lạm phát. Thứ nhất, xung đột Nga - Ukraine đã và đang khiến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trầm trọng hơn do Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng hàng đầu của thế giới. Thứ hai, cuộc chiến Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng tại khu vực châu Âu tiếp tục bị gián đoạn do Hoa Kỳ, EU và các nền kinh tế khác đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Bên cạnh đó, vận tải hàng không và đường biển đối với những tuyến đường qua Nga và Ukraine cũng chịu tác động nghiêm trọng, khiến chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa tăng mạnh.

Tại Hoa Kỳ, theo dữ liệu chính thức được Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố ngày 12/4/2022, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981. Tại châu Âu, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát cũng tăng lên 7,5% vào tháng 3/2022. Lạm phát của Vương quốc Anh trong tháng 3/2022 đã tăng lên mức 7%, mức cao nhất kể từ tháng 3/1992 và vượt xa mức 6,2% trong tháng 2/2022. Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%, Hàn Quốc tăng 4,3%, Indonesia tăng 2,8%, Malaysia tăng 2,4%, tương đương với Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%. Lào là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Đông Nam Á, theo đó, tỷ lệ lạm phát tại Lào trong tháng 6/2022 đã tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 22 năm qua.

Theo dự báo, đến cuối năm 2022, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%, cao hơn 1,5 lần so với dự báo trong tháng 2 là 4%, được đưa ra trước khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Lạm phát thế giới tăng cao là rủi ro tiềm ẩn đối với sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế thế giới sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, vì lạm phát ở mức cao sẽ tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô, cản trở tăng trưởng bền vững nền kinh tế.

Việt Nam hiện nay lạm phát tăng khoảng 2,4%, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát bởi vì lạm phát là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ. Ngày 4/7/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022. Tại cuộc họp này Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong điều kiện hiện nay. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả. Chủ động rà soát, đề xuất cắt giảm phù hợp các loại thuế, phí, lệ phí, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh các loại thuế, phí đối với xăng dầu, bảo đảm phát triển ổn định lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, phòng, chống đầu cơ, buôn lậu, nhất là phòng, chống buôn lậu và tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá, bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng, bảo đảm an ninh lương thực…

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cán bộ sợ trách nhiệm và “cán bộ chưa biết sợ”
Mục “Vấn đề cuối tuần” kỳ trước đã bàn luận về căn bệnh cán bộ “sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc”, hay “làm gì cũng sợ sai”. Không nói đến loại cán bộ cố tình làm trái để trục lợi, cần phải xử lý nghiêm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát lạm phát