Căn bệnh quái ác
Sau trận ốm gần 1 tuần, nhìn cậu bé Võ Giao Thừa càng thêm trắng bệch, hiện rõ các đường gân ở mặt và hai cánh tay. 7 tuổi nhưng cân nặng chưa đầy 20 kg, vậy mà ở em lại toát lên sự ham học, rất tự tin khi nhắc đến chuyện ở trường, chuyện bài vở. “Con học giỏi nhất là môn toán, con thông minh mà”. Câu nói dễ thương của em khiến chúng tôi thấy nhói lòng, giá như em khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác, giá như có một phép màu điều trị khỏi căn bệnh bạch cầu mãn dòng tủy của em...
Tìm hiểu về hoàn cảnh của Võ Giao Thừa chúng tôi càng thấy thương cảm, khi gia đình 6 người gồm ông bà nội, ba mẹ và anh trai của em hiện sống trong căn nhà tình thương do UBND xã hỗ trợ mấy năm nay đã phai màu sơn, ở thôn Xuân Hòa, xã Phong Nẫm (TP. Phan Thiết). Con đường vào nhà thấp trũng, “mùa mưa năm nào cũng lội bì bõm, nên năm nay ráng dành dụm mua được xe đá dăm đổ lên cho tụi nhỏ đi lại bớt lấm lem”, anh Võ Đức Hùng - ba Giao Thừa cho biết. Trong nhà tất cả đồ dùng đều đã cũ, từ chiếc tủ lạnh, xe máy, ghế, thậm chí chỉ có mỗi cái bàn nhưng cũng dùng để kê cái ti vi đời cũ, để tối đến cả nhà quây quần xem thời sự.
Võ Giao Thừa đang học bài trên lớp. |
Cầm những giấy tờ chẩn đoán bệnh và đơn thuốc của con,hai hàng nước mắt chị Nguyễn Thị Kim Ngọc Quyên lại chực trào. Anh Hùng phải ngồi cạnh, nắm chặt tay vợ động viên. Lúc lên 5 tuổi Giao Thừa thường bị cảm, ho và cường độ mỗi lúc một dày hơn, có khi sốt cao 41 độ C, uống thuốc hạ sốt cũng không bớt. Thấy thế gia đình đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, phát hiện máu có sự bất thường. Gom hết tiền bạc trong nhà, cộng với vay mượn của vài người thân, chị Quyên đưa con vào Bệnh viện Truyền máu huyết học, thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra lần nữa. Khi bác sĩ thông báo con bị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy (ung thư máu), phải duy trì uống thuốc, vào bệnh viện khám đều đặn 1 tháng/lần và 6 tháng phải xét nghiệm gen để kiểm tra các triệu chứng liên quan của bệnh. Tai chị ù ù như có hàng trăm, hàng ngàn con ong bay vào, cứ thế nước mắt tuôn rơi và phải mất 10 phút sau mới lê bước ra được khỏi phòng khám.
Ước mơ là hoạ sĩ
“Cả nhà sẽ đồng hành cùng con chống chọi lại bệnh tật”, chị Quyên ôm Giao Thừa vào lòng và nói. Với một đứa trẻ 5 tuổi lúc ấy làm sao biết được mức độ nguy hiểm của bệnh bạch cầu mãn dòng tủy, làm sao biết cha mẹ đang lo lắng, xoay xở từng ngày để kiếm tiền chữa bệnh cho nó. Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, Giao Thừa cứ ôm lấy mẹ. Không biết sau 2 năm em đã hiểu về căn bệnh mình đang mang hay chưa, có điều như chị Quyên chia sẻ: “Giao Thừa rất sợ bác sĩ tiêm thuốc, sợ uống thuốc, nhưng khi thấy ba mẹ buồn, nó đã ngoan ngoãn nghe lời”.
Bươn chải để lo cho gia đình nên anh Hùng già hơn nhiều so với tuổi 34. Công việc phụ hồ của anh không phải tháng nào cũng có, vì thế mọi chi phí trong gia đình phụ thuộc vào đồng lương bảo mẫu 3,5 triệu đồng/tháng của chị Quyên. “Phải gói ghém, dành dụm chi tiêu trong gia đình hợp lý để còn lo thuốc men cho con. Rất may có hỗ trợ của một đơn vị nước ngoài và bảo hiểm y tế nên được miễn phí gần 10 triệu đồng tiền thuốc/lần, chỉ lo tiền khám hàng tháng và hơn 4 triệu đồng một lần xét nghiệm gen”, chị Quyên nói.
Thương cậu học trò nghèo mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng ham học, cô Đặng Thị Hường - giáo viên chủ nhiệm và 35 thành viên lớp 1D, Trường tiểu học Xuân An luôn đồng hành, động viên Giao Thừa vượt qua nỗi đau để hoàn thành tốt bài vở. Kết quả năm học 2017 – 2018 em đã đạt hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Ban giám hiệu nhà trường đã mở một cuộc vận động trong toàn thể giáo viên, học sinh được hơn 10 triệu đồng chia sẻ cùng em. Chúng tôi hy vọng Võ Giao Thừa sẽ là chú “lính chì” dũng cảm, kiên trì, bền bỉ chiến thắng bệnh tật để trở thành họa sĩ như em mơ ước.
Thùy Linh