Nỗi đau tận cùng
Nét mặt trầm tư buồn lộ rõ trên khuôn mặt cùng làn da ngâm đen vốn dĩ đã khắc khổ, khóe mắt em cay cay khi nhắc về thời thơ ấu bất hạnh của mình, nhìn vào đôi mắt ấy chúng tôi phần nào cảm nhận được những chất chứa khổ hạnh mà em đã trải qua. Tuổi thơ em được ví như “một bản nhạc” mà bản nhạc ấy chỉ toàn những nốt trầm buồn đều đặn.
Vừa chập chững lên 3 tuổi, em Lâm đã không có một tổ ấm trọn vẹn khi người mẹ đành dứt ruột rời bỏ hai anh em Lâm, trong suy nghĩ của Lâm có lẽ vì mẹ em không chịu được cuộc sống gia đình cực khổ, thiếu thốn và cũng một phần bà rời bỏ gia đình để tìm cho mình hạnh phúc mới. Từ đó, Lâm sống trong tình yêu bao la của cha, nhưng cha em vì không chịu nỗi cú sốc lớn, không tin vào sự thật cay đắng khi mẹ Lâm rời bỏ gia đình ra đi, trong thời gian này ông buồn bã tột cùng rồi ông phát bệnh tâm thần kể từ đó. Lâm kể lại: “Lúc cha em phát bệnh, ông thường đi lang thang khắp mọi nơi để hi vọng tìm được mẹ em, gặp ai ông cũng nhận họ là vợ ông. Tuy nhiều khi thần trí cha em không tỉnh táo nhưng trong sâu thẳm tâm hồn ông vẫn rất thương em và lo chuyện học hành của em”. Căn bệnh tâm thần ngày càng nặng do không có điều kiện để chữa trị, cha Lâm lại mắc thêm căn bệnh ung thư gan, chỉ vài tháng khi phát bệnh thì ông đã mất khi Lâm đang theo họclớp 8.
Thương cảnh thiếu thốn tình yêu của mẹ và sớm mồ côi cha, người cô ruột là bà Huỳnh Thị Lệ Chi đã nhận đùm bọc, cưu mang và đưa Lâm về sống trong căn nhà tình thương cho đến nay. Thấy cháu mình gặp nhiều bất hạnh, thiếu thốn tình thương gia đình từ nhỏ, kinh tế gia đình cô Chi cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng bản thân cô vẫn cố động viên em, cô cố gắng đi làm thuê làm mướn để có tiền lo cho em đến trường.
Những ngày học năm cuối cấp 3 này, sau giờ tan trường về nhà, Lâm còn dành thời gian chăm sóc người chú cũng bệnh tâm thần đã gần 50 tuổi và thêm vào đó những năm gần đây cô Chi mắc căn bệnh Parkinson tay bị run liên tục, mất khả năng lao động, mọi di chuyển hằng ngày của cô đều cần có sự giúp đỡ của Lâm. Bao chi phí sinh hoạt gia đình, học hành của Lâm chỉ vỏn vẹn chưa đến 1,5 triệu đồng từ nguồn thu nhập không ổn định của anh trai Lâm chu cấp, khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Gập ghềnh bước chân đến trường
Lâm tâm sự rằng để tránh những suy nghĩ tiêu cực nảy sinh trong tư tưởng, em xem việc học là niềm vui là mục tiêu để chinh phục khó khăn hiện tại và chặng đường phía trước dù biết sẽ gập ghềnh và đầy chông gai, chỉ có học tập tốt, em mới có thể thay đổi hoàn cảnh, vượt lên số phận và báo ơn giáo dưỡng cho cô của mình.
Kết quả cấp học em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và được nhận giấy khen của tỉnh đoàn vì có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, đạt giải khuyến khích của Bộ GD&ĐT trong cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học (2015 – 2016)…Thấu hiểu được ý chí và khó khăn mà Lâm đối mặt, Ban giám hiệu, các thầy cô của Trường THPT Hàm Thuận Bắc đã tạo mọi điều kiện cho Lâm tiếp tục học để theo đuổi ước mơ vào đại học ngành công nghệ kỹ thuật. Các suất học bổng từ các chương trình Tiếp bước cho em đến trường, Ước mơ từ làng, các ngân hàng… được nhà trường đề xuất, giới thiệu để em Lâm được nhận học bổng. Ông Trần Trung Toàn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Thuận Bắc chia sẻ: “Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng nhiều năm liền em Lâm luôn đạt thành tích giỏi từ các cấp học. Nhà trường luôn giới thiệu các suất học bổng để em Lâm nhận, mong rằng có thêm nhiều mạnh thường quan tâm tặng học bổng để em thực hiện ước mơ học lên đại học”.
Chia tay em Lâm, trong tôi lại có thêm một bài học về ý chí vượt qua những mặc cảm của cuộc sống, phấn đấu hết mình để không phải sống yếu đuối và câu nói của Lâm “em sẽ vừa học vừa làm thêm khi đậu vào đại học” như một lời hứa sẽ không chịu thua những khó khăn, gian khổ phía trước. Dù hoàn cảnh nào cũng vươn ra ánh sáng, dù khó khăn đến đâu cũng phấn đấu đi lên trong cuộc sống như một bông hoa hướng về mặt trời.
H.Châu