Vượt cát, lội suối gieo chữ
Sinh ra trong gia đình làm nghề biển ở thôn Tiến An, xã Tiến Thành, tuổi thơ gắn liền với những thiếu thốn, vì thế Hoa khát khao được đi học, được đứng trên bục giảng truyền đạt cái chữ cho trẻ em nghèo vùng đất mình đã sinh ra. Ước mơ ấy đã thành hiện thực khi năm 2014, Trần Thị Bích Hoa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận và được về dạy tại Trường tiểu học Tiến Thành 1, sau đó là Trường tiểu học Tiến Thành 2.
Tại nơi làm việc mới, ngoài điểm chính tại thôn Tiến An (3 lớp) có đến 3 điểm trường lẻ nằm khá xa là điểm Tiến Đức (có 5 lớp), Tiến Bình 1 (5 lớp), Tiến Bình 2 (3 lớp). Trong đó điểm Tiến Bình 2 khó khăn nhất. Thôn nằm tách biệt phía dưới mép biển, với 110 hộ dân sinh sống, nhưng hàng chục năm nay vẫn chưa có đường đi. Sinh ra đã thấy biển, lớn lên theo cha mẹ dong thuyền ra khơi, thế nên rất nhiều người ở đây không biết chữ. Không đành nhìn các em nhỏ đứng trước cảnh thất học, xã Tiến Thành đã kêu gọi hỗ trợ và được một tổ chức xây dựng tại điểm trường Tiến Bình 2 một phòng học. Dù sĩ số học sinh ít, nhưng không thể gom các em khác độ tuổi vào cùng một lớp và để thuận lợi cho công tác quản lý, giảng dạy, nhà trường cho xây vách ngăn, phân lịch học cho lớp 1 vào buổi sáng và lớp 2, 3 buổi chiều. Không ngần ngại, ngay khi về trường, cô giáo Hoa tình nguyện về dạy tại cơ sở này.
3 năm gắn bó với trường, với học sinh vùng cát Tiến Bình 2 với biết bao thiếu thốn, vất vả, nhưng chúng tôi nhìn thấy ở cô giáo trẻ sinh năm 1992 ấy luôn tràn đầy nghị lực và nụ cười tươi lạc quan.
Từ nhà đến điểm trường khoảng 7 km nhưng để kịp giờ vào lớp (7 giờ), hơn 6 giờ cô Hoa đã đi làm. Hoa chia sẻ: Nếu cô giáo không lội cát xuống trường, thì các em sẽ phải lên điểm Tiến Bình 1 học. Trong khi quãng đường từ thôn ra đường đường Lạc Long Quân (ĐT 719) gần 1 km, cát lún chủ yếu đi bộ, đoạn chạy được xe máy không nhiều và phải vượt qua suối. Còn nếu đi đường núi, học sinh phải vượt một đoạn dốc cao, hẹp, những ngày trời mưa có nguy cơ đất sập, lấp đường, rất vất vả và nguy hiểm cho các em mới 6 tuổi, lúc đó nguy cơ bỏ học, không biết chữ sẽ rất cao.
Bản thân cô giáo Hoa những ngày đầu nhận công tác cũng khá vất vả khi phải vượt núi xuống điểm trường, quần áo luôn nhuốm màu đỏ của bùn đất. Nhiều hôm mưa lớn, vách núi sạt lấp đường đi, cô phải gọi điện nhờ người dân địa phương giúp đỡ. Không ít lần đang trên đường đến lớp, gặp đàn bò của người dân dưới thôn đi lên, cô phải nhanh chân nép sát vách núi để tránh. Khó khăn là vậy nhưng chưa ngày nào cô bỏ lớp.
Đổi kẹo … để giữ sĩ số
Năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019, Trần Thị Bích Hoa được phân công làm cơ sở trưởng và chủ nhiệm lớp 1C. Điều khiến cô xúc động là học sinh ở Tiến Bình 2 ra lớp rất chuyên cần, lễ phép và quý trọng thầy cô. Tuy nhiên do hoàn cảnh gia đình học sinh còn khó khăn, nhiều phụ huynh mải mưu sinh, phần không biết chữ nên ít quan tâm đến việc học của con cái. “Lớp 1C chỉ có 13 học sinh. Sau những tiết học ở lớp, cô giáo sẽ cho bài tập về nhà để các em luyện chữ, ôn toán, tập đọc, nhưng không phải em nào cũng thực hiện nghiêm túc, tiến bộ nhanh. Vì thế đối với những học sinh yếu, cuối giờ tôi phải ở lại kèm cặp, hướng dẫn thêm. Thường trong cặp sách cô giáo chủ nhiệm sẽ có những cây kẹo để khuyến khích học sinh học tập. Trong các tiết sinh hoạt và giờ đạo đức, chúng tôi còn giáo dục các em biết hiếu thuận, lễ phép, kỹ năng khi gặp người lạ, đối tượng xấu...”, cô Hoa nói.
Dù là điểm trường xa, nhỏ nhưng không gian lớp học tại Tiến Bình 2 rất sạch sẽ, xanh mát. Ngoài đồ dùng dạy học Trường tiểu học Tiến Thành 2 hỗ trợ, giáo viên phụ trách đứng lớp cắt dán hoa, treo các chậu cây lên vách tường, dán thời khóa biểu, đặc biệt là bảng thi đua theo tuần. Cô Hoa vui vẻ nói: Bảng thi đua có ghi tên từng thành viên của lớp. Kết thúc một ngày học các em sẽ bầu chọn ai có thành tích vượt trội nhất và được gắn một bông hoa. Vào tiết sinh hoạt cuối tuần, tổng kết học sinh nào được nhiều bông hoa nhất sẽ lãnh phần thưởng là những cây kẹo hoặc viết chì.
Chính nhờ tình yêu trẻ và sáng tạo trong dạy học của cô giáo Hoa khiến phụ huynh và học sinh nơi vùng đất cát này thêm yêu trường lớp, bạn bè, thi đua phát biểu trong các giờ học. Những nét chữ nghệch ngoạc, thiếu dấu, cách phát âm chưa chuẩn đang được cô uốn nắn từng ngày.
Thầy Võ văn Khánh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiến Thành 2 nhận xét: Tại điểm trường Tiến Bình 2 hiện có 28 học sinh, được phân thành 3 lớp. Hiện đường đi xuống điểm trường này rất nhiều khó khăn, cát lún, dốc, dễ xảy ra trơn trượt,nếu nhập điểm này vào điểm trường Tiến Bình 1 thì nguy học sinh bỏ học cao. Vì thế hàng năm dựa vào biên chế của đơn vị, trường sẽ phân công giáo viên xuống phụ trách tại cơ sở này. Sau khi nhận công tác tại đây 2 năm và hoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, năm học 2018 – 2019, Ban giám hiệu đề xuất đưa cô Hoa về dạy ở điểm trường khác, nhưng cô đã tình nguyện ở lại. Đây là phẩm chất rất đáng khen ngợi.
Chia tay lớp học nơi vùng cát lún này, chúng tôi hiểu rằng, chỉ có tình yêu sâu sắc với học trò, với người dân mộc mạc nơi đây mới làm nên sợi dây tình nghĩa níu chân cô Trần Thị Bích Hoa và đồng nghiệp ở lại vùng đất đầy khó khăn này để gieo chữ, gieo ước mơ cho bao lớp học trò.
Thùy Linh