Theo dõi trên

Vụ xe khách chưa đi tuyến cao tốc: Phải phát huy lợi ích của đường cao tốc

18/05/2023, 05:45

Sau khi Báo Bình Thuận ngày 15/5/2023 đăng bài viết “Hành khách bức xúc vì nhà xe không đi tuyến cao tốc”, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc xung quanh vấn đề này. Bên cạnh phản ánh thực trạng, những bức xúc… bạn đọc còn nêu ý kiến, góp ý các giải pháp về “bài toán” lợi ích hài hòa giữa nhà xe và hành khách khi khai thác tuyến cao tốc.

Nên mở 2 tuyến cao tốc và quốc lộ 1A

Nhiều ý kiến bạn đọc phân tích, việc các nhà xe chưa mở tuyến cao tốc do nhiều nguyên nhân. Trong đó, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mới đưa vào khai thác chưa có trạm dừng chân, nếu xe có sự cố thì rất phiền phức và tốn kém. Mặt khác, nếu đi toàn tuyến cao tốc không đủ khách dẫn đến không đủ chi phí mà nếu thu giá vé cao thì nhiều khách không chấp nhận. Ngoài ra, nhà xe phải trả, đón khách dọc đường, vận chuyển hàng hóa… Bạn đọc T.M.H nêu ý kiến: “Thứ nhất, cao tốc mới vào hoạt động và lộ trình nhà xe đã đăng ký quãng đường từ trước khi có cao tốc mà xe sẽ đi và đến với cơ quan quản lý. Thứ 2, nhà xe phải khảo sát xem đi cao tốc thì chi phí có bị tăng nhiều không. Thứ 3, trên quãng đường cũ có những trạm dừng cho khách đi vệ sinh và nhà xe có 1 lượng khách quen thuộc hay đón trên đoạn đường đó. Chứ tài xế thì rất thích đi cao tốc vì vừa nhanh vừa an toàn hơn quốc lộ. Nhưng họ phải cân bằng lợi ích của việc kinh doanh và mong muốn của khách hàng”.

Cùng ý kiến, bạn đọc V.D.N cho rằng: “Cao tốc thì mới có, còn tuyến đường quen thuộc thì đã đi mấy chục năm rồi, nếu lên cao tốc thì không thể trả khách giữa đường, còn nếu chạy cao tốc thì không thể đón khách ở các trạm dọc đường. Đâu phải ai cũng ở gần bến xe hoặc trung tâm đô thị, nhiều thị trấn hình thành dọc quốc lộ xưa nay, nếu tự nhiên thay đổi liền thì những cụm dân cư này di chuyển bằng gì”.

b548c9da-047c-49d8-8fab-bb0549382c52.jpeg
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào hoạt động . Ảnh Đ. Hòa

Vấn đề ở đây là làm sao giải được “bài toán” lợi ích hài hòa giữa nhà xe và hành khách khi khai thác tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Góp thêm ý kiến này, bạn đọc T.P cho rằng: “Đã ra làm ăn thời khó khăn thì không ai muốn mất khách, mất thu nhập nhưng bài toán kinh tế vẫn phải cân đối chứ không thể làm theo cảm xúc được”. Trong các ý kiến phản hồi, phần đông bạn đọc đưa ra giải pháp các nhà xe nên mở 2 tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và tuyến quốc lộ 1A, lịch trình tuyến và giá vé phải công khai rõ ràng, minh bạch để hành khách lựa chọn. Về ý kiến này, bạn đọc Ngọc Tú viết: “Nhà xe phải phân tuyến rõ ràng, chuyến nào đi cao tốc, chuyến nào đi quốc lộ 1A để khách chọn lựa cho phù hợp và phải có lịch trình từng tuyến”. Đồng quan điểm, bạn đọc Dung cho biết: “Nhà xe có thể phân loại vé tuyến quốc lộ 1A và cao tốc. Nếu tuyến cao tốc có thu phí, giá vé có tăng thì khách vẫn chấp nhận”.

Nhiều nhà xe đã tăng tuyến cao tốc

Trước nhu cầu cao của hành khách đi tuyến cao tốc, liên hệ với một số nhà xe tuyến Phan Thiết – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, hiện nhiều nhà xe đã chủ động điều chỉnh, mở thêm các tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và công khai lịch trình, giá vé để hành khách lựa chọn phù hợp với nhu cầu đi lại. Đại diện Công ty TNHH Vận tải Trung Nga cho biết: Bên cạnh khai thác tuyến đường như lâu nay, hiện nhà xe đã tăng từ 1 tuyến lên 5 tuyến lượt đi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết/ngày và 5 tuyến lượt về (cả khung giờ ngày và đêm) nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách. Lịch trình tuyến Phan Thiết – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại được nhà xe thông báo công khai, rõ ràng để hành khách lựa chọn phù hợp.

Còn hãng xe Kumho Samco thông tin, mỗi ngày trung bình có 8 tuyến từ Phan Thiết – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Trước nhu cầu của hành khách đi tuyến cao tốc, hãng xe đã bố trí 3 chuyến lượt đi và 3 chuyến lượt về đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết vào khung giờ ban ngày, các chuyến còn lại vẫn đi tuyến cũ quốc lộ 1A. Tương tự, hãng xe Tâm Hạnh cũng đã đổi sang tất cả các chuyến trong ngày đi đường cao tốc và có thông báo rõ ràng để hành khách biết sắp xếp lịch trình hợp lý. Theo các nhà xe, hiện tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết chưa thu phí nên giá vé cao tốc vẫn giữ nguyên như tuyến cũ. Riêng các nhà xe khác đang tính toán để mở thêm tuyến cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi từ TP. Hồ Chí Minh đến trung tâm du lịch Phan Thiết, Mũi Né. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội giúp tỉnh nhà phát triển kinh tế. Trước nhu cầu đi lại toàn tuyến từ TP. Phan Thiết – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại của người dân bằng phương tiện xe khách khá đông. Do vậy, đơn vị quản lý vận tải cần chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các hãng xe khách trong khai thác tuyến này, đặc biệt cần phát huy hiệu quả lợi ích của tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết vừa đảm bảo hài hòa nhu cầu của người dân, vừa giải được “bài toán” kinh tế cho nhà xe.

THANH THỦY


(7) Bình luận
Bài liên quan
Hành khách bức xúc vì nhà xe không đi tuyến cao tốc
Tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi vào khai thác rút ngắn khoảng cách hành trình từ TP. Hồ Chí Minh đến trung tâm du lịch Phan Thiết – Mũi Né chỉ còn 2,5 tiếng. Đây là tín hiệu vui cho người dân nhưng hiện nay hầu hết các nhà xe vẫn khai thác chở khách ở tuyến quốc lộ 1A khiến hành khách bức xúc.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ xe khách chưa đi tuyến cao tốc: Phải phát huy lợi ích của đường cao tốc