Theo dõi trên

Vui buồn chuyện vệ sinh trường, lớp đầu cấp

08/04/2022, 05:34

Vệ sinh trường, lớp trước khi học sinh vào học đang là công việc quan trọng trong thời dịch Covid-19 ở các cấp học đầu cấp. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận có những khó khăn nhất định cần sự chung tay, hỗ trợ từ bậc phụ huynh và chính quyền địa phương.

20220330_110403.jpg
Học sinh đầu cấp  học một buổi,  phòng dịch Covid-19

Ngoài việc đo thân nhiệt; khử khuẩn tay trước khi vào trường; hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách, đúng thời điểm; chiếu những video hướng dẫn học sinh các cách phòng, chống dịch; phối hợp với phụ huynh nhắc nhở mang bình nước cá nhân, nước rửa tay khô, khẩu trang… thì việc quét dọn, lau sàn nhà, tay cầm cửa, mặt bàn, ghế ngồi... bằng nước lau sàn, nước khử trùng sạch sẽ trước khi học sinh vào lớp học cũng đóng vai trò quan trọng để hạn chế lây nhiễm dịch.

Covid-19 làm đảo lộn

Nếu như không có dịch Covid-19 thì mọi việc rất đơn giản trong môi trường học đường. Các em cứ theo trình tự ngày hai buổi đến trường nạp kiến thức. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập xuống bất ngờ, các em phải nghỉ học ở nhà vì hạn chế tập trung đông người ở trường phòng lây nhiễm bệnh. Việc các em nghỉ học kéo theo tất cả các thầy, cô, bảo mẫu cũng nghỉ. Cho đến nay các em trở lại trường, nhưng vẫn trong tình trạng cầm chừng phòng dịch, có nghĩa các em chỉ đến lớp một buổi và trở về nhà với cha mẹ. Điều này đồng nghĩa trường, lớp trở về trạng thái ban đầu như trường làng học một buổi trước kia. Nhưng ở thời dịch bệnh hiện nay việc vệ sinh trường, lớp đóng vai trò rất quan trọng để phòng ngừa. Theo nhiều bài viết của ngành y khoa, học đường là nơi tập trung đông người nên rất dễ trở thành môi trường thuận lợi để các dịch bệnh phát sinh và lây lan, nếu không có biện pháp phòng ngừa. Covid-19 thường lây qua đường giọt bắn khi người mang mầm bệnh nói chuyện, nhảy mũi, ho... Những giọt bắn ấy chứa vi rút rơi hoặc dính vào các vật dụng như bàn ghế, tay nắm cửa... người khỏe mạnh vô tình cầm, nắm, sờ mó... đưa lên miệng, mũi trở thành người bệnh tiếp theo.

20220330_112845.jpg
Thuê  bảo mẫu vệ sinh lớp.

Với học sinh giữa cấp và cuối cấp đã lớn, đủ ý thức phòng bệnh, nhưng học sinh đầu cấp cần người lớn giúp đỡ. Trường, lớp phải được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ, nhưng ai sẽ làm công việc này khi tạp vụ, bảo mẫu đã nghỉ hoặc làm không xuể. Tuy nhiên, nếu thuê thêm người vào trường làm vệ sinh đối với những trường không bán trú hoặc thuê lại bảo mẫu ở trường có bán trú thì lấy khoản nào để trả công?, trong khi vấn đề này không thuộc ngân sách nhà nước chi trả. Trước thực trạng nhiều trường đã đề nghị phụ huynh học sinh chia sẻ. “Trước đây chưa có dịch, vệ sinh trường, lớp đơn giản, chỉ việc quét dọn, lau sàn sạch. Hiện nay công tác này rất quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc quét dọn, lau sàn mà phải lau bàn, ghế, những vật dụng trong lớp học, nhà vệ sinh, thường xuyên khử khuẩn đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em. Chúng tôi tổ chức họp giáo viên và xin ý kiến phụ huynh cũng như ban đại diện cha mẹ học sinh góp tiền “thuê” lại đội ngũ bảo mẫu làm công tác này. Và, được đa số phụ huynh nhất trí, mỗi tháng thu 1 triệu đồng/tháng. Như vậy 26 lớp sẽ thu 26 triệu đồng chia đều cho 29 cô bảo mẫu, mỗi tháng các cô nhận được gần 900.000 đồng/ tháng. Dù số tiền không đáng là bao, hàng ngày các cô vẫn vui vẻ lo công tác vệ sinh giúp giáo viên yên tâm dạy dỗ các em”, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Thắng 1 chia sẻ.

Giáo viên kiêm cả vệ sinh lớp

Với cách làm của Đức Thắng 1 không phải là hiếm, rất nhiều trường khác đã làm. Tuy nhiên, đây là những trường tập trung con em gia đình khá giả, quan tâm con cái học hành như Trường tiểu học Phú Thủy 1, Bắc Phan Thiết, Tuyên Quang... còn những trường ở khu vực điều kiện kinh tế khó khăn thì rất khó. Không có khoản hỗ trợ vệ sinh lớp từ cha mẹ thì đồng nghĩa thầy, cô vừa dạy vừa làm. “Trường hiện có 16 lớp với 540 học sinh, chủ yếu tập trung ở các khu phố của phường có điều kiện khó khăn, cha mẹ làm nghề biển, buôn bán nhỏ lẻ tại chợ, bán vé số, hàng rong... Từ khi học sinh trở lại học đến nay nhà trường vẫn chưa thu đủ các khoản thu, bao gồm cả khoản thu vệ sinh trường hàng năm. Chính vì thế, chúng tôi không dám đề cập với phụ huynh việc đóng góp thuê người làm vệ sinh lớp học, phòng, chống dịch bệnh. Ngay cả hiện nay, những vật dụng phục vụ vệ sinh trường, lớp đã bị hư hỏng vì sử dụng hết công năng, không còn khoản nào chi mua, chúng tôi đang lo”, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Nghĩa Phan Thị Anh Thư chia sẻ khó khăn.

20220404_103832.jpg
Khi học sinh tan lớp các cô lao vào dọn, chuẩn bị cho học buổi chiều.

Việc không kêu gọi được phụ huynh chia sẻ đóng góp thuê người dọn vệ sinh lớp thì thầy, cô sẽ phải làm. Hàng ngày cứ sau giờ tan trường, Ban giám hiệu nhà trường, thầy cô Trường tiểu học Đức Nghĩa lại lao vào công việc dọn dẹp lau chùi lớp học không có thời gian nghỉ. Nhiều cô đuối sức vì lo chăm sóc con nhỏ, công việc gia đình, chưa kể con cái hoặc chồng bị F0 phải lo chăm sóc. “Hậu Covid-19 vốn đã mệt mỏi cũng phải đến lớp giảng dạy, lại còn vệ sinh lau chùi lớp học, rất mệt”, một giáo viên chia sẻ.

Điều đó cho thấy cần sự chia sẻ của phụ huynh học sinh để trường, lớp luôn vệ sinh sạch sẽ đảm bảo sức khỏe cho con em mình, thầy cô, những người cần có đủ sức khỏe chuyên tâm dạy dỗ. “Nhiều em nghỉ học lâu quên hết, thầy, cô dạy rất cực, hằng ngày phải tiếp xúc nhiều với các em để cầm tay viết chữ, chỉ cho các em cách đánh vần, làm bài toán khó. Nếu em ấy bị nhiễm Covid-19 thì thầy cô cũng bị nhiễm”, cô Đặng Thị Ngọc Diệp – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Tài, nơi có 92 em F0 và 21 thầy, cô cũng F0. Đây là ngôi trường ở điểm nóng Covid-19 năm qua, nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ vào sĩ số học sinh đông với 1.336 học sinh/38 lớp nên khoản thu phí vệ sinh trường, 34.000 đồng/lớp/năm hàng năm từ phụ huynh cũng tạm đủ thuê lại bảo mẫu vệ sinh trường, lớp hiện nay.

Vệ sinh trường, lớp không chỉ bảo vệ sức khỏe học sinh mà còn là cách giáo dục các em bảo vệ môi trường sống thông qua cảm nhận không gian thoáng mát, sạch sẽ ở trường. Từ đó góp phần hình thành ước mơ, hoài bão về điều tốt đẹp, có ích cho xã hội trong tương lai. Vì vậy cần có sự chung tay chia sẻ của gia đình với nhà trường để giúp các em thực hiện ước mơ. Đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của bậc cha mẹ dù cuộc sống khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Học sinh đi học ngồi cách nhau 1.5m có khả thi không?
BTO- Ngày 4/5 học sinh lớp 9 và lớp 12 tại tỉnh Bình Thuận bắt đầu sẽ đi học lại.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vui buồn chuyện vệ sinh trường, lớp đầu cấp