Nấu dư ra, để mai ăn, không phải ngày mai họ lười nấu đâu, mà ăn cơm nguội mới cảm thấy hương vị của… cơm nguội! Cho nên có không ít người nấu cơm rồi, chờ cơm thật nguội mới ăn. Cơm nguội, xắn một cục, dùng đũa hoặc bốc tay, ăn với cái gì cũng được, chịu khó nhai kỹ mới cảm thấy hương vị của cơm nguội!
Ở nhà quê vào những thập kỷ trước đây, trong nhà hết thứ gì cũng được, nhưng chắc chắn không bao giờ thiếu… cơm nguội. Cơm nguội không sang trọng gì, nhưng sáng dậy mà không được ăn cơm nguội, thì cũng giống như buổi mai ghiền cà phê mà không được uống vậy!
Năm bảy chục năm trước đây, có một thứ mà ở nhà quê, dù giàu hay nghèo đến đâu, mà nhà nào cũng phải có: cơm nguội. Mỗi buổi sáng, trẻ con, đôi khi có cả người lớn, lục… cơm nguội để ăn trước khi ra đồng, ra biển, lên rừng, chăn trâu, đi học… Một chén cơm nguội, thường ăn với một con cá khô (thường là khô lù đù, óc giấy, đỏ dạ, liệt… mà nhà biển thường trữ chỉ để ăn cơm nguội) hoặc một tán đường tán, biết rằng nó không béo bổ bằng tô phở, hủ tiếu hoặc ổ bánh mì thịt, nhưng chắc chắn nó chắc bụng, vì nếu không bụng chắc thì làm sao lao động cực nhọc suốt cả buổi? (trai cầy có thể ăn hết một nồi cơm nguội như chơi!).
Ngày xưa (vì đã có lâu đời), ăn cơm nguội mỗi sáng (bây giờ là ăn sáng, điểm tâm) nếu nói không quá, đó là nét ẩm thực truyền thống, mà đa số dân Việt trước đây chủ yếu làm nông coi đó là thức ăn chủ lực tiếp nối từ đời cha đến đời con. Bây giờ xã hội văn minh, người ta hiện đại hóa ngay cả trong cả cái ăn giấc ngủ, thì cơm nguội chỉ còn là… huyền thoại!
“… Chàng ơi, phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng…”.
Người phụ nữ ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ, còn giữ then chốt trong gia đình. Vậy mà cuộc đời này, có đôi khi những thiệt thòi bất hạnh… phụ nữ phải gánh chịu. “Chàng ơi…” câu ca dao ấy sao nghe nó xót xa, lẫn chút nhẫn tâm. Thiếp chỉ là cơm nguội, mà khi nào chàng đói mới nghĩ tới, còn no thì… thôi! “Chàng ơi…” như năn nỉ, van xin, xuống nước… nếu có điều gì xảy ra em xin chịu hết, cho dù hèn mọn làm hột cơm nguội, để chỉ mong rằng chàng đừng phụ em. Thế mới biết, cơm nguội dù chỉ là… cơm nguội, nhưng trong hoàn cảnh này và trong lúc đói nó trở nên một món ăn vô giá!
Tôi nhớ những ngày thức học khuya, đói bụng mò xuống bếp, lục cơm nguội, chịu khó nhóm lửa, bắt chảo lên cho chút mỡ, bóp cơm nguội rời ra, rồi chiên cho vàng và rắc chút muối… đơn giản vậy thôi, đố thằng nào thấy mà không chảy nước miếng! Nếu cơm nguội mà chiên với mỡ trừu (loại mỡ đựng trong hộp thiếc của Mỹ thì khuya nào mà không ăn thì thấy nhớ!).
Bây giờ còn ai ăn cơm nguội nữa không? Cuộc đời quanh ta có những thứ mất đi thì tiếc nhớ, nhưng giữ lại có đôi khi bị chê, chẳng hạn như sáng dậy ăn điểm tâm bằng cơm nguội thì cảm thấy nó nghèo sao ấy, và cũng vì nghèo nên mới ăn cơm nguội chăng?
Cơm nguội phải nấu bếp than mới ngon, nên cũng là cơm nguội, nhưng cơm nguội ngày xưa khác cơm nguội thời nay, thời của bếp gas, lò điện.
Nhắc lại ăn cơm nguội của một thời xa lơ xa lắc… có người bảo rằng tại thời ấy đói, có cơm nguội ăn là may lắm rồi, chớ cơm nguội mà ngon cái nỗi gì? Lầm rồi, ngày xưa, đâu phải nghèo mới ăn cơm nguội mà ngay cả người giàu cũng ăn. Bây giờ, nếu không tin, hôm nào bạn thử ăn cơm nguội với con cá khô (nướng trên lửa than) hoặc cục đường tán (thứ đường ở các lò đường vùng quê chỉ làm thủ công, (dùng con trâu kéo một trục xoay ép cây mía chảy nước, chảy vào chảo nấu thành đường) vậy mà nó thơm, ngọt thanh, mùi vị rất đặc trưng, một thứ đường sạch bảo đảm ăn một lần là ghiền! Nói chơi cho đỡ thèm vậy thôi, chớ thời buổi này làm gì có thứ đường tán này) hoặc ăn với con mắm cá cơm, trộn dưa cà… rồi dầm trái ớt hiểm, bạn sẽ thấy… sạch nồi cơm nguội! Vậy nên người ta có lý khi mỗi lần nhắc ai phải xa quê:
“Đi xa anh nhớ quê nhà
Nhớ nồi cơm nguội với cà dầm tương…”.
Ngày nay ở các vùng nông thôn, chưa hoặc đã đô thị hóa, biết có còn ai ăn cơm nguội nữa không? Đời sống ẩm thực ngày nay có nhiều món ngon vật lạ. Người ta không còn chết vì chiến tranh mà chết vì miếng ăn (không phải giành nhau vì miếng ăn)… mà trong miếng ăn có quá nhiều chất độc!
Ăn cơm nguội, một nét ẩm thực “đậm đà bản sắc dân tộc” của những vùng nông thôn đã tồn tại qua nhiều thế hệ, tiếc rằng, hôm nay đời sống vật chất đã làm mất đi một thói quen đã có từ rất lâu đời…