Theo dõi trên

Xăng dầu lập đỉnh mới: Chuyện rất đáng lo!

09/06/2022, 05:39

Đầu tháng 6/2022, xăng dầu lập đỉnh mới vượt mốc 31.000 đồng/lít khiến nhiều người bàng hoàng. Đây là lần tăng thứ 11 của mặt hàng này chỉ trong nửa đầu năm nay. Việc giá xăng dầu liên tục thiết lập đỉnh mới sẽ gây thêm khó khăn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Khủng hoảng mới

Ở những lần điều chỉnh xăng dầu trước đó, doanh nghiệp vận tải là 1 trong những đơn vị chịu tác động nặng nề nhất. Với ngành này, xăng dầu bình quân chiếm khoảng 35 - 40% tổng chi phí đầu vào nên việc giá xăng dầu tăng chưa có điểm dừng từ đầu năm đến nay khiến nhiều doanh nghiệp vận tải “ngấm đòn”. Bình thường như mọi năm, thời điểm tháng 5 - 6 vào dịp hè, hoạt động vận tải hành khách tại Bến xe Bắc Phan Thiết hoạt động nhộn nhịp, khách ra vào thường xuyên, đặc biệt là tuyến đi các tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh miền Tây. Năm nay, mặc dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, mọi sinh hoạt xã hội được “bình thường mới”, nhưng nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh thu không đủ bù chi. Đại diện Công ty Phương Trang cho biết, giá xăng dầu liên tục tăng cao, cùng với việc các loại phí, thuế, lương cho tài xế, phụ xe tăng… làm cho doanh nghiệp vận tải hành khách đã khó khăn ngày càng khó khăn hơn. Khách đi vắng hơn những năm trước, nên công ty phải chở thêm hàng hóa để lấy thu bù chi, cắt giảm bớt các đầu xe, hoạt động cầm chừng.

z3228148220463_a375db66034552193c4ed14e59591e80.jpg
Xăng dầu lập đỉnh mới, nhiều doanh nghiệp "ngấm đòn".

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp taxi trên địa bàn tỉnh chia sẻ, đa số doanh nghiệp vận tải đều không gồng gánh nổi chi phí. Nếu giá xăng cứ tiếp tục tăng, chỉ còn cách tăng giá cước hoặc tạm dừng hoạt động. Đại diện nhiều doanh nghiệp than rằng, giá xăng dầu tăng cao không chỉ chặn đứng đà hồi phục sau dịch Covid - 19 mà còn đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó cạnh tranh và dẫn đến một trạng thái khủng hoảng mới.

img_0063.jpg
Người tiêu dùng đối mặt với nhiều chi phí không tên khi xăng dầu leo thang.

Không riêng gì ngành vận tải bị tác động, mà hầu hết các ngành nghề khác bị ảnh hưởng, kéo theo đời sống của người dân vô cùng khốn khó. Nông dân không dám xuống giống vụ mới khi giá phân bón, thuốc cũng tăng vùn vụt. Ngư dân thì nằm bờ nhiều hơn vươn khơi dù đang vào vụ chính cá nam, vì chi phí mỗi chuyến biển tăng gần gấp đôi. Mỗi bữa cơm của người dân bớt đi phần thịt, cá và đau đầu tính toán cách thức di chuyển, chi tiêu sao cho tiết kiệm nhất. Hệ quả của xăng dầu leo thang đã kéo theo nhiều mặt hàng, ngành hàng, dịch vụ buộc phải tăng theo, vì thế người tiêu dùng đối mặt với nhiều chi phí không tên.

Lời giải cho bài toán xăng dầu

Vấn đề đáng quan tâm này đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến và bàn luận khá sôi nổi tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội. Nhiều đại biểu tỏ ra sốt ruột với tình hình giá cả leo thang liên tục và khẳng định nếu không kịp thời có biện pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, thì hệ quả về mặt lạm phát sẽ rất lớn, gây tác động dây chuyền, tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đang cần thời gian để phục hồi sau đại dịch. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) đã có ý kiến: “Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu. Thà rằng, chúng ta chấp nhận giảm khoản thu ngân sách từ thuế, phí xăng dầu trong hiện tại để có được nguồn thu trong tương lai. Tôi nghĩ, hiện nay Chính phủ ở các quốc gia đã triển khai rồi, thậm chí người ta siết luôn giá xăng dầu và chính phủ bù giá…”. Đồng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) cũng cho rằng: “Thuế bảo vệ môi trường vẫn còn dư địa khi mới giảm 50%; giảm các loại thuế trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng chúng ta phải chấp nhận để bình ổn giá xăng dầu, mang lại ý nghĩa cao hơn trong ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế. Có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng cần xem xét, cân nhắc kỹ vì loại thuế này liên quan tới điều tiết hành vi sử dụng các loại hàng hóa của người tiêu dùng”. Các chuyên gia cũng lưu ý nên cân đối thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường.

Với những ý kiến cũng như gợi ý lời giải từ các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành cho bài toán giá xăng dầu hiện nay, đã đến lúc các Bộ Tài chính, Công Thương và Kế hoạch - Đầu tư phải tiến hành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giảm các loại thuế để kéo giá xăng dầu. Nếu hạ một số loại thuế xuống mức thấp hơn, chắc chắn sẽ giảm bớt khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, người lao động. Đó cũng là một trong những công cụ quan trọng để giảm lạm phát, tránh để người dân, người lao động bị tác động bởi cơn “bão giá”!    

Ngày 1/6, xăng A95 tăng 920 đồng, có giá 31.570 đồng/lít; xăng E5 tăng 600 đồng, có giá 30.230 đồng/lít. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 840 đồng/lít, lên 26.390 đồng/lít; dầu hỏa tăng 940 đồng, lên 25.340 đồng/lít; dầu mazut tăng 310 đồng, lên 20.900 đồng/kg.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xăng dầu tăng giá: Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đối mặt với khó khăn “kép”
BT- Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng ở mức cao. Cách đây 1 tuần, giá xăng dầu lại có sự điều chỉnh theo hướng tăng mạnh. Đây là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 1,5 năm trở lại đây. Giá xăng dầu tăng “chóng mặt” khiến người dân không khỏi lo lắng bởi nhiều hàng hóa sẽ “té nước theo mưa”, tác động lớn đến chi tiêu hàng ngày. Đặc biệt, các loại hình dịch vụ vận tải, giao hàng… sẽ bị tác động mạnh mẽ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xăng dầu lập đỉnh mới: Chuyện rất đáng lo!