Theo dõi trên

Nỗi khổ xăng dầu và phí cảng biển

13/05/2022, 06:07

Các doanh nghiệp tại tỉnh xuất khẩu hàng hóa vẫn đóng phí như đã xác định qua các cảng biển tại TP. HCM. Bây giờ, thêm chi phí sản xuất đội lên từ xăng dầu nên xem như phí chồng phí, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

nh-nl-7-.jpg
Sản xuất đá thạch anh nhân tạo ở Khu công nghiệp Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Lo hàng trữ hết dần

Chiều ngày 11/5, xăng dầu lại tăng giá, đẩy giá mỗi lít xăng gần chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít, trong khi đó các loại dầu cũng đắt hơn 1.100-1.300 đồng, nâng giá dầu diesel lên 26.650 đồng/lít. Đây là lần tăng giá sốc, vì đánh dấu sau 8 lần tăng liên tục và 3 phiên giảm, giá xăng dầu lại tiếp tục tăng trở lại. Với nhiều ngư dân, đợt tăng giá này đã làm hẹp thêm hy vọng ra khơi lần nữa. Từ đầu năm đến nay, chính những đợt xăng dầu tăng giá khiến không ít ngư dân lần lữa ra khơi, vì sau mỗi chuyến biển, giá bán hải sản có tăng nhưng không thể cao ở mức có thể giúp ngư dân có lời. Bị thâm vốn nên không thể tái sản xuất, do đó ngư dân ngại ra khơi đánh bắt và kết quả chung là sản lượng hải sản khai thác ít hơn một nửa so với cùng thời điểm các năm trước. Từ đây, các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu bắt đầu lo lắng về khâu đầu vào, dù nhu cầu thị trường xuất khẩu đã phục hồi trở lại sau Covid-19.

Một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hải sản tại phường Đức Thắng, TP.Phan Thiết cho biết, tháng qua, doanh nghiệp chỉ mua được 20% sản lượng hải sản so với khả năng sản xuất của đơn vị. Với đợt tăng giá xăng dầu này, có khả năng doanh nghiệp sẽ tiếp tục không thể mua nguyên liệu qua hơn 20%, dù vụ cá nam đã bắt đầu. Thời gian qua, việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ hải sản qua thị trường Nhật Bản của doanh nghiệp tăng trưởng đều sau hậu Covid-19 và nguồn nguyên liệu hải sản chủ yếu lấy từ hàng trữ đông. Nhưng nếu tình hình mua nguyên liệu không thuận lợi còn tiếp tục thì đến lúc 5 kho lạnh của doanh nghiệp hết hàng trữ gối đầu, khả năng sẽ ngưng hoạt động sau 6 tháng nữa là có thể xảy ra.

Đó là nỗi lo xa của doanh nghiệp, còn hiện tại chi phí sản xuất liên quan đến giá cả từ xăng dầu đã tăng gấp 1,5 lần, tức cứ 1 kg cá tăng thêm 2.000 – 3.000 đồng. Cũng may là trong hợp đồng mua bán, đối tác bên Nhật chịu các chi phí liên quan, trong đó có phí cảng biển mới được TP. HCM triển khai thực hiện từ ngày 1/4/2022.

Khó lại thêm ngặt

Không như doanh nghiệp trên, các doanh nghiệp khác trong tỉnh liên quan đến xuất khẩu, tức hàng hóa phải qua các cảng biển ở TP. HCM đều ở trong cảnh bị đội thêm chi phí, nên bị ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh vừa mới trở lại hoạt động sau dịch Covid-19 nên việc thu phí này, theo báo chí nhìn nhận là đang đi ngược với chủ trương của Chính phủ, vốn đang khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy chỉ vài ngày sau khi vận hành thu phí cảng biển tại TP. HCM, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng hoạt động thu phí này. Trong văn bản này, ngoài phân tích việc vận hành phí trên đang gây áp lực lớn lên doanh nghiệp trong bối cảnh cần phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ban cũng phân tích sự chênh lệch trong thu mức phí giữa mở tờ khai tại TP. HCM và ngoài TP. HCM, không phù hợp với Luật phí, lệ phí và Luật Hải quan, tạo ra sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận, trong đó có Bình Thuận.

Dù vậy, đến nay qua hơn 1 tháng, việc tranh cãi giữa các bên liên quan vẫn chưa dứt, các doanh nghiệp tại tỉnh bị ảnh hưởng nhiều cũng đã kiến nghị trong các hiệp hội ngành nghề nhưng chưa có kết quả. Các doanh nghiệp tại tỉnh xuất khẩu hàng hóa vẫn đóng phí như đã xác định qua các cảng biển tại TP. HCM. Bây giờ, thêm chi phí sản xuất đội lên từ xăng dầu nên xem như phí chồng phí, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để ứng phó tình cảnh trên, một doanh nghiệp chế biến hải sản khác tại Cảng cá Phan Thiết cho biết, từ nhiều tháng trước, đơn vị đã thu gọn việc kinh doanh lại bằng cách bán sản phẩm tại kho lạnh, không vận chuyển vào TP. HCM. Các đối tác cần hàng là ra Phan Thiết lấy. Nhờ thu gọn vậy nên đơn vị vẫn hoạt động ổn hơn, bớt rủi ro hơn, dù doanh số không cao.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khác cho rằng, tất cả các chi phí tăng trên đều được doanh nghiệp đưa vào giá thành sản phẩm. Vì vậy, đối tượng chịu thiệt cuối cùng là người tiêu dùng và đáng ngại nhất là người nghèo. Ví dụ rõ nhất là giá gạo và một số mặt hàng khác kéo theo cũng tăng liên tục, khi các đợt cước vận tải tăng. Hay các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi điều chỉnh tăng giá bán thì thịt heo cũng tăng giá, tiếp đó ảnh hưởng liên hoàn đến bữa ăn mỗi gia đình. Tất cả đã tạo ra nỗi khổ mà nổi lên là xăng dầu và phí cảng biển.

Sự chênh lệch trong thu phí cảng biển doanh nghiệp khi mở tờ khai tại TP.HCM và ngoài TP.HCM:
Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM: thu 500.000 đồng/container 20 feet; 1 triệu đồng/container 40 feet và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. Còn với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM: thu 250.000 đồng/container 20 feet; 500.000 đồng/container 40 feet và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) vừa tổ chức họp báo, công bố kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT chủ trì. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi khổ xăng dầu và phí cảng biển