Theo dõi trên

Thăng trầm các làng nghề nông thôn

13/05/2022, 05:52

Bình Thuận có 4 làng nghề nông thôn được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, bao gồm làng nghề bánh tráng Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc; làng nghề mây tre đan xã Đông Hà, huyện Đức Linh, làng nghề bánh tráng Chợ Lầu và làng nghề gốm gọ Bình Đức, huyện Bắc Bình.

Tuy nhiên, hiện hầu hết các cơ sở ngành nghề nông thôn gặp khó khăn về vốn tín dụng ưu đãi, thị trường tiêu thụ, giá cả bấp bênh.

lang-nghe.jpg
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Đông Hà, Đức Linh. Ảnh: N.Lân

Duy trì nhưng quy mô nhỏ

Nằm dọc quốc lộ 1A, từ lâu người dân huyện Bắc Bình đã duy trì và phát triển làng nghề bánh tráng ở Xuân An - thị trấn Chợ Lầu và làng nghề gốm Bình Đức. Trong đó, sản phẩm bánh tráng Chợ Lầu từ lâu đã nức tiếng ở nhiều nơi. Ở thị trấn này có gần 60 lò bánh tráng lớn nhỏ, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều thế hệ gia đình tại địa phương.

Với người dân Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung, từ lâu ngành nghề, làng nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT, ước đến nay toàn tỉnh có 4.237 cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động với trên 17.000 lao động. Các ngành nghề tham gia sản xuất tập trung vào các nhóm chính là chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản… Việc duy trì và phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn góp phần đa dạng hóa các ngành kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và PTNT nhìn nhận, thực tế hiện nay phần lớn các cơ sở nghề đều có quy mô sản xuất nhỏ, vốn ít, thiết bị và công nghệ sản xuất lạc hậu. Thậm chí nhiều cơ sở không đủ vốn đầu tư để đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, tính liên kết, hợp tác còn yếu. Hầu hết các cơ sở ngành nghề nông thôn gặp khó khăn về vốn tín dụng ưu đãi, thị trường tiêu thụ, giá cả bấp bênh.

Cùng với đó, thực tế cho thấy các làng nghề trong tỉnh chưa thực sự phát triển. Sản phẩm do các làng nghề sản xuất vẫn còn kém hấp dẫn, nhưng giá thành cao do làm thủ công. Xuất phát từ sức cạnh tranh kém nên khó tìm được thị trường tiêu thụ, đơn cử như làng nghề gốm gọ Bình Đức. Cùng với đó, việc quản lý nhà nước các làng nghề, ngành nghề ở một số địa phương còn thiếu sự phối hợp. Hạ tầng giao thông yếu kém, khó thu hút được nhà đầu tư về nông thôn.

Đề xuất giải pháp

Theo ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, các làng nghề tuy được công nhận nhưng thật sự vẫn rất khó khăn, chưa có kế hoạch cụ thể về kinh doanh và mở rộng thị trường. Mặt khác, hoạt động tự phát, nhỏ lẻ, năng lực sản xuất kinh doanh yếu, lao động chưa được đào tạo sâu, công nghệ chủ yếu là thủ công. Chính vì thế, người làm nghề truyền thống nhưng chưa sống được bằng thu nhập từ nghề, dẫn đến làng nghề ngày càng mai một.

Hiện nay, tỉnh xác định việc phát triển ngành nghề nông thôn mang lại nhiều mục đích. Đó là sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, giúp khôi phục và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề góp phần tích cực vào phát triển du lịch và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan trọng nữa là nhằm nâng cao nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp. Do đó, UBND tỉnh đã định hướng phát triển ngành nghề nông thôn tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới với quan điểm: “Tranh thủ liên kết các nguồn nhân lực có sẵn tại địa phương để tạo sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người dân. Các địa phương tăng cường chỉ đạo, quản lý và duy trì phát triển ổn định các nghề truyền thống đặc trưng, chủ lực trên địa bàn”.

Trong công tác quản lý nhà nước về phát triển ngành nghề, làng nghề luôn quan tâm gắn phát triển ngành nghề nông thôn với xây dựng cụm điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và phong trào nông thôn mới. Mặt khác, xây dựng và thực hiện chương trình hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp với các cơ sở ngành nghề trong gia công nguyên liệu, linh kiện chi tiết và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả các chương trình thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển các loại dịch vụ phục vụ sản xuất. Xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại. Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong năm 2022 tỉnh dự kiến đào tạo nghề cho lao động nông thôn 500/500 chỉ tiêu. Trong đó ưu tiên đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp... Từ đó, góp phần đa dạng hóa các thành phần kinh tế nông nghiệp.      

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát hiện 15 tấn đường cát vi phạm nhãn hàng hóa
BTO-Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ra quyết định xử phạt một Công ty có trụ sở ở TP. Đà Nẵng số tiền 90 triệu đồng về các hành vi: Buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) ghi không đúng nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thăng trầm các làng nghề nông thôn