Theo dõi trên

Thanh nhãn ở Khu Lê

13/05/2022, 05:47

“Hiện tại ở Bắc Bình có mô hình trồng thanh nhãn rất mới và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Trong tương lai, mô hình này sẽ là điểm sáng trong nền nông nghiệp của huyện nhà”, câu nói trên của một lãnh đạo huyện Bắc Bình đã khiến chúng tôi tò mò, tìm đến với mô hình trồng thanh nhãn ở xã Hồng Phong, nơi mà nhiều người biết đến vùng đất anh hùng này với tên gọi Khu Lê.

Bén duyên

Mô hình trồng thanh nhãn với hơn 6 ha của ông Mã Bính Tường (sinh năm 1964) ở thôn Thanh Thịnh, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình. Đến thăm gia đình ông Tường đúng vào thời điểm mùa nhãn bắt đầu ra hoa. Cả một khu vườn rộng lớn, xanh tốt phủ kín một màu trắng toát của hoa nhãn. Đứng từ xa vẫn có thể ngửi được hương thơm thoang thoảng.

hinh-thanh-nhan-2.jpg

Đón chúng tôi từ cổng ra vào, với chất giọng hào sảng của người miền Tây, ông Tường đã hồ hởi khoe: “Năm nay, thanh nhãn ra hoa nhiều lắm cô ạ. Hy vọng sẽ có một mùa bội thu”. Chúng tôi nói thêm “trúng giá nữa chứ ạ”. Ông tươi cười và nói: “Vâng! đúng rồi, cũng chỉ mong có vậy thôi đó cô”!

Bên ly nước trà, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về quá trình “bén duyên” với vùng đất Hồng Phong. Theo đó, năm 2017 ông cùng gia đình từ Sóc Trăng ra Bình Thuận để mua đất, lập nghiệp. “Lúc ấy, tôi chọn nơi đây, vì đất đai nơi này còn khá rẻ. Chứ giờ mua cũng khó lắm”, ông Tường cho biết.

“Nhưng đây là vùng đất thiếu nước, nhiều nắng chú biết điều đó chứ ạ”? – chúng tôi hỏi. Ông cười tươi và nói: Thật ra, tôi biết chứ, thế nhưng thời điểm đó, trên diện tích đất này, các cây điều và những loại cây rừng vẫn phát triển xanh tốt. Tôi chắc trong đầu là dưới đất sẽ có nguồn nước dồi dào. Vậy là quyết tâm mua.

Khi đã mua được đất, cải tạo đất xong và đã có nguồn nước ngầm thì vấn đề đặt ra lúc này đó là nuôi con gì, trồng cây gì đã khiến ông Tường đắn đo cả một thời gian. Hết chọn cây này, rồi cây khác, cuối cùng ông quyết định chọn cây thanh nhãn để đánh một “ván bài” lớn.

“Tìm tới giống nhãn Bạc Liêu, ăn thử trái nhãn đầu tiên, tôi bị thuyết phục hoàn toàn. Vì vậy, cuối năm 2018 tôi đã quyết định mua 1.200 cây giống, với giá 150.000 đồng/cây để về trồng trên diện tích 6 ha”, ông Tường nói.

Dẫn chúng tôi ra tận vườn, ông Tường cho biết thêm, đất ở miền Tây rất dễ trồng nhãn, nhưng đất ở đây cằn cỗi, khó giữ nước. Việc thiếu nước vào mùa khô cũng là nỗi ám ảnh với người nông dân. Năm đầu tiên, năm thứ 2, cây thanh nhãn cho năng suất thấp vì chưa quen với thổ nhưỡng nơi này. Những vụ mùa này, sau khi thu hoạch xong, thanh toán hết các chi phí thì cũng chỉ bỏ túi chút kinh nghiệm để chuẩn bị cho mùa vụ sau.

“Đến năm thứ 3 thì dịch Covid -19 bùng phát, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Sản lượng tiêu thụ phần lớn được chúng tôi gửi lên Đà Lạt bán, hoặc bán ngoài chợ. Đồng thời gửi tặng cho các chốt kiểm dịch” – ông Tường chia sẻ.

Cũng theo ông Tường, niềm vui đến là khi người tiêu dùng họ cảm nhận thấy sản phẩm mình làm ra chất lượng ngon. “Đã từng có người thốt lên rằng: loại trái cây này làm gì có ở Bình Thuận. Đất Bình Thuận sao mà trồng được loại trái cây này? Chắc là lấy từ miền Tây về bán. Nhưng họ đâu biết rằng, trái cây đấy được trồng từ chính nơi thiếu nước, nhiều nắng của vùng đất Khu Lê ngày nào”, ông Tường tươi cười nói.

Kế thừa và phát triển

Ông Tường là người gây dựng, còn Mã Mãn Sung (sinh năm 1994) con trai ông sẽ là người kế thừa và phát triển. Sung đang học khoa công nghệ thông tin năm thứ 2, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh thì quyết định dừng việc học tập, về Bình Thuận để phụ giúp gia đình.

Điều ngạc nhiên với chúng tôi đó là, tại sao chàng trai mới 28 tuổi lại có thể bám trụ được ở nơi này trong những năm qua, bởi sóng điện thoại, wifi đều rất yếu, thậm chí là không có. “Chị phải để cố định một chỗ mới dò được sóng”, Sung nói khi thấy tôi đang loay hoay tìm cách để gọi điện thoại phục vụ cho công việc.

Sung tiếp lời: Thật ra, em cũng rất băn khoăn khi về đây. Thế nhưng, vì niềm đam mê làm nông nghiệp và cũng nhìn thấy công sức của cha mình đổ ra trên vùng đất đầy nắng gió này. “Chị thấy đấy, giờ là cả một màu xanh tốt của thanh nhãn. Sẽ có những mùa bội thu trong thời gian đến”, Sung nói.

Sung cũng cho biết, thanh nhãn mỗi năm sẽ cho một vụ thu hoạch mà không cần qua xử lý. Tháng 2, bắt đầu ra hoa tự nhiên đến tháng 7, tháng 8 âm lịch là bắt đầu thu hoạch. Sản lượng ở đây chỉ đạt 60 – 70% so với miền Tây nhưng chất lượng thì miễn bàn, rất ngon với vị thơm ngọt, giòn giòn, cơm dày, thịt thanh nhãn có màu vàng tươi, khô ráo khác hẳn những giống nhãn khác. “Mặc dù mẫu mã không đẹp như những loại nhãn khác, bởi da nó có phần xù xì nhưng giá bán 1 kg thanh nhãn hiện tại là 165.000 đồng/kg, 1 kg nếu đạt thì từ 30 - 35 trái, còn nếu không đạt thì từ 40 – 50 trái. Bước vào năm thứ 5, cây sẽ to và cứng cáp, lúc đấy sản lượng thu hoạch sẽ được tăng lên”, Sung cho biết.

Chúng tôi hỏi kỹ thuật trồng thanh nhãn như thế nào cho đạt năng suất, Sung kể vanh vách. Sau khi thu hoạch thì tiến hành bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây. Đây là đợt bón chủ lực trong năm nhằm cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây ra hoa vào mùa sau. Ngoài ra, việc quan trọng là phải siết cành, cứ mỗi năm lại siết cành một lần nên khắp thân cây chi chít vết sẹo lồi lõm. Nhưng có như vậy, cây mới mập mạp và khỏe mạnh.

Cũng vì là người trẻ làm nông nghiệp, nên Sung đã ứng dụng các kỹ thuật khoa học vào mô hình thanh nhãn của gia đình. Từ việc làm cỏ đều sử dụng máy móc, cho đến việc tưới nước cũng đã được ứng dụng công nghệ tưới nên phần nào giảm sức người rất nhiều.

Đi giữa vườn thanh nhãn, Sung cho biết, nhiều người không ngờ vùng đất thiếu nước tưới nay có thể giúp cây ăn trái phát triển, tươi tốt sum xuê. Cây thanh nhãn đã không phụ sức người khi chất lượng không thua kém, thậm chí còn hơn hẳn miền Tây. Người trồng thanh nhãn như em đã thắng ngay trên vùng đất sỏi đá này. Hiện tại gia đình đã đăng ký sản phẩm OCOP lên huyện. Hy vọng trong thời gian tới sẽ sớm được công nhận.

Chia tay gia đình, chúng tôi trở về, đi qua vườn thanh nhãn rộng thênh thang, hứa hẹn một khoản lợi nhuận lớn trong vụ thu hoạch này, ai cũng lâng lâng niềm vui, phấn khởi chờ đón cái kết đẹp.

Thanh nhãn là một cá thể đột biến trong quần thể nhãn Bạc Liêu do một chủ vườn ở Hiệp Thành, Bạc Liêu tình cờ phát hiện; đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Ngoài ưu điểm trái to, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước... một đặc tính nổi trội khác của thanh nhãn là không bị bệnh chổi rồng.

GHI CHÉP: THANH NHÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phan Thiết: Khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Phan Thiết đã và đang triển khai hiệu quả. Sau 4 năm thực hiện Ðề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (đề án), chương trình hỗ trợ của Hội đã khơi nguồn và hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp cho nhiều hội viên, giúp phụ nữ mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh nhãn ở Khu Lê