Một số mặt hàng có chiều hướng tăng
Trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 11/8, giá xăng dầu đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng RON95 giảm 940 đồng/lít, còn 24.660 đồng/lít. Xăng E5 giảm 900 đồng/lít, còn 23.720 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S-II giảm 1.000 đồng/lít, còn 22.900 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.210 đồng/lít, còn 23.320 đồng/lít. Dầu mazut vẫn giữ nguyên giá là 16.540 đồng/kg. Xăng dầu giảm sâu khiến người tiêu dùng rất phấn khởi vì mặt hàng này tác động rất lớn chi phí vận chuyển, kéo theo giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng chóng mặt.
Thời gian qua, người tiêu dùng đã cố gắng thắt chặt chi tiêu, tính toán cho mỗi bữa ăn sao cho tiết kiệm, thậm chí thay thế phương tiện vận chuyển từ xe máy sang xe điện để cầm cự qua giai đoạn khó khăn này. Việc giá xăng dầu được điều chỉnh giảm nhiều lần liên tiếp gần đây khiến nhiều người hy vọng, giá cả các mặt hàng sẽ giảm theo để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả thậm chí không giảm mà còn có chiều hướng tăng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (phường Phú Thủy) bày tỏ: “Giá xăng dầu đã giảm mấy lần rồi nhưng giá các mặt hàng khác vẫn chưa giảm. Tôi cũng không rõ, việc giá các mặt hàng chưa chịu giảm là do nhà sản xuất, cung cấp giữ giá hay do người kinh doanh, bán lẻ cố tình không giảm để tăng lợi nhuận?”. Theo khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP. Phan Thiết, hiện giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến, tiêu dùng… vẫn còn ở mức cao. Đơn cử thịt ba rọi 130.000 - 140.000 đồng/kg, cốt lết 120.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 160.000 - 170.000 đồng/kg… Đặc biệt, giá rau xanh, củ quả như bí, mướp, cà tím… tăng từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết, những ngày qua, các vùng cung cấp rau, củ như thị trấn Phú Long, xã Thiện Nghiệp mưa liên tục, nên rau hư nhiều, không đủ cung cấp cho các chợ khiến giá một số rau xanh tăng cao. Ngoài ra, giá dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí vẫn giữ nguyên giá trước đó trong khi giá xăng dầu đã giảm. Chủ một quán ăn tại đường Hùng Vương - TP.Phan Thiết chia sẻ: “Giá dịch vụ, thực phẩm chế biến phụ thuộc nhiều vào giá thực phẩm tươi, nguyên liệu mua vào. Hiện tại giá nguyên liệu đầu vào vẫn cao nên quán chưa thể điều chỉnh lại giá”.
Tăng cường kiểm soát giá cả
Từ cuối tháng 6 đến nay, giá xăng đã giảm khoảng 6.600 - 7.200 đồng/lít. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất vẫn đang tiếp tục theo dõi xu hướng giảm vì cho rằng các kỳ điều chỉnh gần đây chỉ mang tính thời điểm, chưa bền vững. Do đó, xăng dầu hạ giá chỉ góp phần giảm đà tăng của hàng hóa, chưa thể khiến giá cả quay đầu. Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, chi phí xăng dầu chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu giá thịt gia súc, gia cầm. Do đó, xu hướng giảm của giá xăng không tác động quá lớn đến mặt hàng này. Thời gian vừa qua, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã và đang tăng cường kiểm tra, rà soát thị trường, cập nhật tình hình giá cả hàng hóa ở tất cả các địa phương. Qua đó, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm liên quan lĩnh vực giá, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường.
Được biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Rõ ràng, giá xăng dầu giảm liên tục ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của quý 3 có tác dụng rất lớn trong việc giảm áp lực về giá các mặt hàng trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), qua đó góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm và cả năm 2022.