Theo dõi trên

Xăng tăng giá lần thứ 5 liên tiếp: Ngư dân tính toán cho chuyến vươn khơi

17/11/2021, 09:09 - Lượt đọc: 24

BT- Từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng trong nước đã có đợt tăng thứ 5 liên tiếp. Như vậy, so với cách đây 2 tháng, giá mỗi lít xăng đã chạm mốc 25.000 đồng, làm nhiều ngư dân phải đắn đo trước mỗi chuyến vươn khơi dù thời tiết đang thuận lợi cho mùa đánh bắt hải sản. Sau hơn 1 tháng cho tàu nằm bờ khi Cảng cá Phan Thiết tạm đóng cửa, ngư dân Phạm Tòng (phường Lạc Đạo – TP. Phan Thiết) hành nghề lưới rê, đang có ý định vươn khơi trở lại thì gặp đợt xăng, dầu tăng giá mới. Ông Tòng buồn rầu chia sẻ: “Hơn 20 năm bám biển, chưa năm nào ông thấy ngư dân lại gặp khó khăn như năm nay. Từ đầu năm đến nay, tôi chỉ đi vài chuyến, nhưng chuyến nào cũng thua lỗ vì giá hải sản quá thấp. Thêm vào đó, chi phí cho bạn thuyền test nhanh Covid – 19, vật giá phí tổn leo thang, giá xăng dầu lại tăng khủng khiếp, khiến tôi và...

2 bên bờ sông Cà Ty những ngày trung tuần tháng 11, hàng dài tàu lớn nhỏ vẫn nằm im lìm, dù thời tiết khá thuận lợi cho tàu đánh bắt dài ngày. Ngư dân Lê Tịnh (phường Đức Long), 1 trong ít ngư dân đi đánh bắt trở về chia sẻ thêm: “Chuyến biển của tôi trên 10 ngày, tôi mất khoảng 2.000 – 3.000 lít dầu, tốn gần 35 triệu đồng, trong khi sản lượng thu về chỉ vài tạ cá. Nay xăng dầu lại tăng, cũng từng ấy hành trình, tôi phải bù thêm 5 - 8 triệu đồng, nên chi phí đội lên rất nhiều, tiền công chia cho bạn thuyền phải giảm xuống, nên ít ai mặn mà vươn khơi. Trong khi đó, tìm được lao động thạo nghề biển không dễ, nên nhiều tàu nằm bờ là vậy, chứ liều mình vươn khơi càng thua lỗ”.

Nhiên liệu chiếm từ 50 - 70% chi phí của mỗi chuyến biển. Do đó, giá xăng dầu tăng cao đã tạo áp lực rất lớn cho hoạt động khai thác hải sản. Việc giá xăng dầu tăng cao không chỉ khiến cho việc khai thác hải sản thua lỗ mà về lâu dài còn ảnh hưởng rất lớn đến nghề biển. Bởi thu nhập không cao, nhiều tàu cá nằm bờ thời gian dài khiến người lao động trên tàu cũng tìm cách chuyển nghề. Vì vậy, khi giá xăng dầu bình ổn trở lại thì tình trạng thiếu lao động tàu cá lại diễn ra.

Hiện nay, do tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, mỗi chuyến vươn khơi phải đáp ứng nhiều điều kiện cần và đủ phòng chống dịch, trong đó bắt buộc các thuyền viên phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin. Nhưng hiện nay, số lao động biển được tiêm vắc xin vẫn còn hạn chế, dẫn đến muốn ra khơi buộc phải chịu thêm chi phí test nhanh. Đây cũng là 1 trong những chi phí phát sinh làm chuyến biển của ngư dân càng “chông chênh”. Theo Chi cục Thủy sản, giá dầu tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân. Mùa cá nam, nhiều tàu cá trong tỉnh đã nằm bờ vì dịch Covid-19, hiệu quả hoạt động không cao. Sang vụ bấc, xăng dầu lại “phi mã”, do đó dự báo số tàu nằm bờ sẽ gia tăng nếu giá nhiên liệu không điều chỉnh.

Trước những khó khăn trong việc đánh bắt thủy sản, ngư dân kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có chính sách bình ổn giá xăng dầu, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư cải tiến phương tiện, ngư lưới cụ… sau mùa dịch. Ngoài Nghị quyết 48 của Chính phủ về hỗ trợ tiền dầu cho những tàu đánh bắt xa bờ, ngư dân còn mong có những chính sách khác hỗ trợ kịp thời hơn. Có như vậy, ngư dân mới yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xăng tăng giá lần thứ 5 liên tiếp: Ngư dân tính toán cho chuyến vươn khơi