Khu phố 2 trao quà cho các cháu đạt học sinh giỏi. |
Xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư là một trong những nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXD ĐSVH). Việc đạt chỉ tiêu này được xem sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền làm cho phong trào thực sự thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi gia đình.
Ông Đỗ Quốc Bảo – Chủ tịch UBND phường cho rằng: Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Sợi dây kết nối gia đình truyền thống dường như đang biến đổi và rạn nứt, dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng tăng. Các giá trị tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp, khiến cho tệ nạn xã hội xâm nhập, tác động xấu vào các gia đình. Bởi thế địa phương đã chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục bộ quy tắc ứng xử trong gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép. Đồng thời đưa nội dung xây dựng gia đình văn hóa vào các phong trào thi đua gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, quỹ khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, tổ chức các hoạt động tương thân tương ái…
Nổi bật tại khu phố 2, địa bàn 10 năm giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa, 157 hộ đều quan tâm vun đắp các mối quan hệ trong gia đình. Dẫu không còn nhiều gia đình duy trì 3 - 4 thế hệ sinh sống trong một nhà, nhưng họ rất chú ý đến việc chăm lo cho con cái học hành, chia sẻ nuôi dạy con và bình đẳng vợ chồng. Kết quả rõ nhất là ở khu phố không có học sinh bỏ học giữa chừng; trên 90% học sinh vào học đại học và đi du học nước ngoài. Anh chị em hòa thuận, thương yêu, hỗ trợ, chia sẻ lúc buồn vui để gia đình phát triển… Hay như tại khu phố 8, nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nhưng đến nay người dân đã thay đổi nhận thức trong nuôi dạy con cái, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm hẳn.
Thay đổi lối sống, hành vi sẽ tạo ra sự bình yên, đoàn kết ngay trong gia đình, lối xóm, nhờ vậy số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng nâng lên. Riêng năm 2019 có 2.207/2.327 gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Tiêu chí này cũng tác động tích cực đến việc giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa của 8/8 khu phố trên địa bàn phường.
T.Anh