Theo dõi trên

Xây dựng và phát triển đô thị: Cần tầm nhìn xa

25/11/2016, 08:44

BT- Tiến trình phát triển đô thị ở Bình Thuận diễn ra khá nhanh, tuy nhiên bên cạnh mặt ưu, cũng còn một số hạn chế.

                
Khu đô thị mới Phan Thiết. Ảnh: Lê Thanh

Những thay đổi

Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 15 đô thị, trong đó  Phan Thiết là đô thị loại II; 2 đô thị loại IV (thị xã La Gi, thị trấn Phan Rí Cửa) còn lại là 12 đô thị loại V (thị trấn Liên Hương, Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Phú Long, Thuận Nam, Tân Nghĩa)… Ở các đô thị trên, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật được chú trọng, trong đó nổi lên là giao thông. Với một số dự án, công trình giao thông quan trọng đã kết nối các đô thị trong tỉnh, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại. Đặc biệt với việc xây dựng sân bay Phan Thiết và đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, trong tương lai gần, giao thông ở Bình Thuận càng trở nên thuận lợi.  Đề án phát triển giao thông nông thôn cũng đã góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị. Hạ tầng mạng lưới viễn thông hoạt động ổn định, thị trường dịch vụ viễn thông và internet cạnh tranh mạnh. Mạng lưới điện toàn tỉnh được  triển khai đầu tư, bảo đảm  điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, và cho sinh hoạt.

Trong toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp  hoạt động, 2 khu công nghiệp đang đầu tư hạ tầng. Hầu hết các địa phương đều có các cụm công nghiệp (hiện có 22/32 cụm công nghiệp được thành lập). Việc thu gom và xử lý rác thải  đô thị được duy trì ổn định. Cải tạo, chỉnh trang nâng cấp đô thị cũng như việc xây dựng các khu dân cư, đô thị mới được các cấp, các ngành và địa phương coi trọng. Tại Phan Thiết, đã xây dựng các khu dân cư mới đảm bảo đầy đủ về hạ tầng, qua đó nâng cao cuộc sống người dân. Hầu hết đô thị trong tỉnh đều xây dựng và ban hành quy chế quản lý đô thị; các đồ án quy hoạch đều xây dựng quy chế quản lý.

Những hạn chế

Nếu tính các tiêu chí đô thị thì Phan Thiết còn 7 tiêu chí đô thị loại II chưa đạt; La Gi còn 5/49 tiêu chí đô thị loại IV chưa đạt và 10/49 tiêu chí đô thị loại III chưa đạt; đô thị Phan Rí Cửa còn 5/49 tiêu chí đô thị loại IV chưa đạt... Việc gắn kết giữa quy hoạch chi tiết với quy hoạch sử dụng đất chưa được đồng bộ, dẫn tới việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt. Năng lực quản lý đô thị của cấp cơ sở còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được trình độ chuyên môn nghiệp vụ về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây dựng nhưng chưa đáp ứng quá trình phát triển của các đô thị. Hầu hết đô thị chưa có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung (ngoại trừ  Phan Thiết), chưa có nhà máy xử lý rác thải, chưa đảm bảo mật độ đường giao thông. Việc cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị còn chậm, chưa đồng bộ. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn hạn chế. Các dự án phát triển hạ tầng thương mại triển khai chậm, một mặt là do các bất cập trong quy hoạch đô thị, thu hút đầu tư, một mặt do khó khăn trong việc xã hội hóa đầu tư trong tình hình ngân sách còn khó khăn.

Cần tầm nhìn xa

 Bình Thuận trong 10 - 20 năm nữa diện mạo sẽ như thế nào?  Những nhà quy hoạch đô thị nên có tầm nhìn xa hơn khi mà dân số ngày càng tăng, tốc độ phát triển đô thị sẽ càng nhanh hơn, nếu không có sự quản lý chặt chẽ sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Cần tăng cường  quản lý nhà nước về đô thị. Đẩy nhanh việc rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu… và các đồ án quy hoạch chuyên ngành không còn phù hợp. Xem xét, cập nhật điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cho đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp phép xây dựng. Tập trung xây dựng các khu dân cư mới, khu tái định cư để giải quyết tốt nhu cầu về đất ở cho dân cư đô thị. Khai thác và sử dụng quỹ đất tại các đô thị tiết kiệm, hiệu quả nhất là quỹ đất ven biển Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành, hai bên đường ĐT 706B, hai bên đường Hòa Thắng - Hòa Phú. Xây dựng kế hoạch để thực hiện Chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, xác định tiêu chí của từng đô thị cần tập trung đầu tư nhằm hoàn thiện tiêu chí cho từng loại đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.  Xây dựng, nâng cấp cải tạo hệ thống cấp nước tại các đô thị, các khu công nghiệp và khu du lịch. Huy động các nguồn lực để xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở các đô thị, đảm bảo nước thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn. Đẩy nhanh  xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo các dự án đã được chấp thuận đầu tư. Nâng cao tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại các đô thị, đảm bảo lượng rác thải phát sinh được thu gom và xử lý triệt để, tránh ô nhiễm môi trường. Xây dựng lộ trình để triển khai  “đi” ngầm các đường dây, đường ống kỹ thuật trên các trục đường phố chính… đảm bảo mỹ quan đô thị. Phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị phù hợp và tương xứng với từng vùng, từng đô thị. Sắp xếp hợp lý các chợ hiện có, xây dựng các chợ mới tại một số đô thị trọng điểm, từng bước hình thành các chợ chuyên doanh, đầu mối.

Hà Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng và phát triển đô thị: Cần tầm nhìn xa