Riêng loại hình kiến trúc lăng vạn thờ thần Nam Hải (cá voi) đã có 10 vạn thiết chế ven đảo. Trong số 10 vạn nói trên, phải kể đến các vạn có kiến trúc đẹp: vạn Thương Hải, vạn Quý Thạnh, vạn Phú Thạnh, vạn Liên Thành và vạn An Thạnh. Trong đó vạn An Thạnh nổi bật lên với các giá trị: là di tích có niên đại sớm nhất trong các ngôi vạn ở đảo Phú Quý; là di tích có bộ xương cá voi lớn nhất ở đảo được thờ tự tại đây; là di tích có số lượng sắc phong do triều đình nhà Nguyễn cấp nhiều và sớm nhất ở đảo Phú Quý và là di tích đã lưu giữ và duy trì nhiều lễ nghi nguyên gốc thuộc văn hóa dân gian trên đảo, trong đó lễ hội cầu ngư là di sản văn hóa đặc sắc với nhiều ý nghĩa về lịch sử và văn hóa tín ngưỡng. Ngoài những giá trị đó, năm 2011 tại đây đã khánh thành nhà trưng bày bộ xương cá nhà táng trong họ cá voi và 5 bộ xương cá heo.
Lễ rước thần Nam Hải. |
Lễ nghinh thần Nam Hải ở biển. |
Một điểm chung về văn hóa tâm linh tín ngưỡng trong 10 vạn thờ là tất cả các vạn đều có và duy trì lễ hội cầu ngư, nhưng với mức độ và quy mô khác nhau, diễn ra ở những thời điểm khác nhau. Do vạn An Thạnh được xây dựng sớm hơn và có những lợi thế so sánh khác về lịch sử, văn hóa nghệ thuật… nên cũng được coi là vạn đứng đầu về mọi mặt so với các vạn khác ở đảo. Vì vậy, các lễ nghi, lễ hội diễn ra ở đây đều mang nhiều ý nghĩa quan trọng cho cộng đồng cư dân trên đảo.
Lễ hội cầu ngư ở vạn An Thạnh được tổ chức vào hai ngày 7, 8/5/2013 (28, 29/3 âm lịch) là ngày giỗ ông bà lớn (ngày phát hiện cá voi lớn lụy (chết) và được chôn cất). Lễ hội cầu ngư ở đây được duy trì từ lâu đời và năm nào cũng được tổ chức. Năm nay các nghi lễ trong lễ hội cầu ngư đã được thực hiện trang nghiêm theo nghi thức tế đại (đại lễ). Trọng tâm là tập trung cho việc khôi phục lại nghi lễ tổ chức đoàn thuyền lễ ra khơi nghinh rước ông Sanh (thần Nam Hải) trên biển về vạn.
Để chuẩn bị cho lễ hội, UBND huyện đã có kế hoạch cụ thể cho các xã, các làng và các ngành theo chức trách của mình để huy động tối đa nhân lực phục vụ. Theo thứ tự thời gian, các lễ nghi bắt đầu từ 19h ngày 7/5 (28/3 ÂL) và kết thúc lúc 13h ngày 8/5 (29/3 ÂL). Theo chương trình có gần 20 lễ nghi liên tục diển ra, mở đầu là lễ nghệ sắc, lễ nghinh thần, lễ nghinh tiền hiền, lễ nghinh rước thần Nam Hải… Tất cả các lễ nghi đều được Ban lâm tế điều hành nghiêm túc, trang nghiêm như trước đây.
Chưa bao giờ tôi thấy một số lượng người lớn tuổi có mặt để tham gia lễ hội đông như ở đây. Hình như do kiêng cử, nên trong khu vực tổ chức tế lễ không thấy bóng cụ bà nào, toàn là các cụ ông, áo dài khăn đóng chỉnh tề, nghiêm túc theo thứ bậc lớn nhỏ, trên dưới, trong ngoài. Diện tích của nhà võ ca mới được nới rộng thêm trong đợt tu bổ vừa rồi, nhưng hôm nay như nhỏ lại và cũng bị chật đi khi số lượng người đến dự lễ ngày một đông. Những ngày này ở đảo trời nóng như đổ lửa, vậy mà các cụ phải bận áo dài, khăn đóng thêm mấy lớp, mồ hôi nhễ nhại vẫn phải ngồi im nghe các bài văn tế thần, nội dung nhắc đến công ơn các vị thần và các lớp người đi trước có công bảo vệ xây dựng đảo. Thỉnh thoảng phải đứng lên vái lạy theo lệnh điều hành từ ông chủ lễ.
Ấn tượng nhất là lễ nghinh rước thần Nam Hải từ biển khơi về vạn An Thạnh. Từ trước đến nay việc thực hiện lễ nghi này khá tốn kém vì phải phụ thuộc vào con người, thuyền bè, các đội múa tứ linh, chèo bả trạo, các đội nhạc lễ… nên rất ít khi tổ chức chu tất, chủ yếu là làm cho có đủ lễ nghi. Nhưng lần này, theo kịch bản được phục dựng lại đầy đủ tất cả các nghi thức trong lễ nghi này, từ thuyền bè, con người, các đội múa tứ linh, chèo bả trạo, các đội nhạc lễ… được chuẩn bị tươm tất. Với số lượng người và phương tiện được huy động, từ sáng sớm trước Cảng Phú Quý đã đông nghịt người, với cờ hội, lộng, tàn, lỗ bộ, trống, chiêng… dưới bến hàng chục chiếc ghe, thuyền lớn nhỏ được trang trí các loại cờ hội đang chờ người lên để ra khơi.
Đúng giờ xuất phát, đoàn ghe, thuyền đi theo đội hình ra khơi, trông thật lộng lẫy và hoành tráng, có cả tàu của bộ đội biên phòng hộ tống. Ra vài hải lý lại gặp một chiếc tàu lớn sơn màu xanh, tới gần mới biết là tàu của Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở đây. Các chàng lính trẻ trên tàu lần đầu thấy cảnh tượng hoành tráng này nên tập trung lên trên chụp ảnh, vẫy tay… Khác với ngày thường, gần như tất cả các ghe, thuyền đều có cả phụ nữ và trẻ con mà không bị kiêng cử. Không khí trên từng ghe, thuyền náo nhiệt hẳn khi nhạc lễ liên hồi nổi lên.
Lễ nghi thực hiện xong, Ban lâm tế và mọi người cảm thấy thỏa mãn, và ai cũng tin rằng thần Nam Hải đã nghe thấy những lời cầu khấn, mời lễ của họ và đang lặng lẽ theo đoàn ghe, thuyền về dự lễ hội. Xong lễ ngoài khơi, đoàn ghe, thuyền lại theo đội hình đi về, trông đội hình thật đẹp mắt, nhiều người ví đội hình này như đoàn quân của Đông Ngô chiến thắng quân Tào Tháo ở trận Xích Bích trên đường trở về.
Ông Ngô Phễn - Trưởng Ban quản lý vạn An Thạnh cho biết, khi nghe phục dựng lại lễ hội cầu ngư, mặc dù đang trong thời điểm ra khơi, nhưng rất nhiều tàu nghe tin đều quay về tham gia lễ rước thần Nam Hải. Có 2 tàu đông thuộc loại lớn nhất ở đảo, dù đang ở gần vùng biển Trường Sa cũng quay về bổ sung, kịp thêm vào đội hình 40 chiếc ghe, thuyền rước thần thêm hoành tráng. Trên bờ thì không phải chỉ có sự tham gia của 3 làng ở xã Tam Thanh mà có dân của cả 9 làng trên đảo. Đây là trường hợp đặc biệt từ trước đến nay.
Nguyễn Xuân Lý